Trong cuộc sống sẽ có muôn vàn lý do để chúng ta phải chịu tổn thương và áp lực. Nhất là, đối với những lời chê bai, xúc phạm có thể dẫn tới hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng tác động tâm lý nghiêm trọng, thậm chí rơi vào trầm cảm hoặc nghĩ quẫn. Vậy đâu là nguyên nhân và làm sao xóa tan tâm lý tức giận, tự ti khi đối diện?
Lời nói là một vũ khí sắc bén rất lợi hại trong giao tiếp, chúng có thể cứu người nhưng đồng thời cũng có thể hại người. Và tất nhiên không ai mong muốn mình trở thành nạn nhân của đối tượng bị chỉ trích, chê bai. Dẫu vậy, chưa ai từng thoát qua những lần bị xúc phạm, coi thường từ người khác. Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển, tự do ngôn luận càng được khuyến khích với mục đích phản biện, tranh luận cái xấu. Bên cạnh, không ít những trường hợp vì lợi ích cá nhân đã phát tán thông tin trên các trang mạng xã hội hoặc dựa vào uy tín bản thân để đưa ra lời kết tội thông qua hình ảnh chưa được xác minh, kiểm chứng. Họ chỉ dùng lý lẽ ‘tự biên’ nhưng vẫn đủ sức thuyết phục cộng đồng quan tâm, tin tưởng. Hành động này, đa số hướng đến quan điểm tiêu cực nhằm bôi nhọ đối phương.
Với những người kém sức chịu đựng và có lòng tự trọng cao sẽ nhanh chóng bị đánh gục, đôi khi bị kéo vào tư tưởng không lành mạnh. Chính vì vậy, giới showbiz và người nổi tiếng khi thành danh, họ phải học quen với thị phi thì mới có thể đứng vững trong sự nghiệp. Chẳng hạn như các sao Hàn trước khi ra mắt công chúng, họ được các nhà huấn luyện quản lý ít nhất 2 năm để trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn và ứng phó những tình huống phức tạp với truyền thông và công chúng. Bởi phàm là con người không ai tránh khỏi lỗi lầm, sai sót và cũng chẳng ai hiểu được sự tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Thay vì cố gắng phản bác ồn ào, người sâu sắc họ thường chọn cách im lặng, bỏ qua để không phát sinh thêm nhiều chuyện rắc rối. Tuy nhiên, một số người bị đè nén cảm xúc, chịu ấm ức, tức giận vì không thể giải bày hoặc chưa thể nào thoát ‘cái bóng tự ti’ trước những lời lẽ xúc phạm, chê bai, miệt thị. Do đó, họ vẫn cảm thấy đau đớn và tổn thương mỗi khi nhớ lại. Trong trường hợp như thế, ta nên can đảm đối diện và thừa nhận với chính mình để chọn ra cách điều trị tâm lý cho phù hợp. Và nếu vẫn chưa hết mặc cảm, buồn bực thì hãy tham khảo 3 bước thực hành sau đây sẽ giúp suy nghĩ trở nên tích cực và bình an.
1. Tự coi bản thân không phải là người quan trọng trong mắt người khác
Hầu hết mọi người cảm thấy khó vượt qua lời đàm tếu, chê bai, chỉ trích là vì họ xem trọng giá trị bản thân và muốn sự công nhận của người khác dành cho mình. Nên khi ai đó buông lời chửi mắng, xúc phạm, họ bị tổn thương tinh thần vì để lòng tự ái trỗi dậy. Đây được coi là nguyên nhân chính sinh ra rào cản và hạn chế khả năng kết nối, giảm tính linh hoạt, làm chậm tiến trình phát triển. Do vậy, cần loại bỏ ngay tư tưởng, tự đánh giá quá cao về bản thân như thông minh, tài giỏi, giàu có, xinh đẹp. Thay vào đó, hãy sống thật an vui và không tự hào những điều gì mình đang có.
Trên thực tế, nhiều người trí tuệ, có tiềm lực mạnh về tài chính vẫn luôn giữ cho mình cách sống ôn hòa, không hơn thua nhưng rất ham thích học hỏi. Mặc dù vậy, họ rất ngại phô diễn tài năng và những việc làm tốt vì họ biết rằng “núi cao còn có núi cao hơn”. Như câu dân gian thường nói “sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”, nhằm nhắc nhở những người thông minh, tài giỏi phải càng phải biết kiệm lời, khiêm nhường và luôn đặt mình thấp hơn so với người khác. Bằng cách này, không chỉ giữ gìn bản thân tránh xa sự cám dỗ, thị phi, mà còn có thể tích lũy kinh nghiệm và nạp thêm nhiều kiến thức mới từ những người xung quanh.
2. Đối diện với ngôn từ tiêu cực của người khác một cách tích cực
Trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi những lời tiêu cực, xúc phạm của người khác. Đặc biệt, hiện nay tin giả ngày càng tràn lan trên mạng xã hội làm cho thông tin càng bị nhiễu loạn. Thậm chí, vì lợi ích cá nhân, họ có thể ‘mạt sát nhau’ bằng ngôn từ miệt thị, vu khống. Họ tận dụng ngôn từ để viết ra câu chuyện chi tiết có tính thuyết phục kèm theo các hình ảnh thực tế để minh chứng những việc họ nói đều là sự thật nên khiến cộng đồng người xem khó thể phân biệt. Thế nên, để hiểu đúng về đối tượng, người dùng thông minh thường quan tâm đến việc kiểm chứng và xác thực nội dung thông qua một bên thứ 3, hoặc cơ quan có thẩm quyền vì ‘mắt thấy tai nghe chưa chắc đã đúng’. Cho nên, các nhà phê bình họ thường dựa vào kết quả của báo đài chính thống hoặc pháp luật mới phản biện và nhận định.
Tuy vậy, với những việc ‘đấu tố’ diễn ra hàng ngày, làm sao người xem có đủ thời gian tìm hiểu về đối tượng. Nhất là, mọi người đều khẳng định, họ là người xấu thì việc đưa ra nhận xét thiếu khách quan cũng là điều dễ hiểu. Cộng thêm, tính minh họa quá thuyết phục, khó trách người xem/nghe có phản ứng gay gắt. Đó là lý do tại sao nhà nước phổ biến điều luật 331 Bộ Luật hình sự về việc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là nhằm bảo vệ cho những người bị vu khống, được quyền thưa kiện. Trường hợp nghiêm trọng, nếu gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội có thể phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Thông thường, những người hướng đến điều nhẹ nhàng, họ sẽ chọn cách im lặng trước lời mắng chửi và vu khống, bởi do họ không muốn gây ồn ào và phiền phức. Trong khi đó, một số người yếu tâm lý có thể rơi vào trầm cảm, mệt mỏi vì cứ bị liên tiếp tấn công vô cớ với ý kiến cho rằng họ sai nên mới im lặng. Điều này, khiến nhiều người không chịu nỗi áp lực thị phi mà dẫn tới suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Cho nên phương pháp này sẽ dành cho những ai không thích đôi co, tranh cãi có thể áp dụng. Bằng cách khi tận dụng nguyên tắc ‘lấy độc trị độc’ thông qua thực hành ngôn từ chuyển hóa tích cực để giải phóng nguồn năng lượng xấu đang ở bên trong. Vì vậy, hãy mạnh dạn tìm lại các bài viết họ đăng và bôi vàng chi tiết lên những ngôn từ có ý xúc phạm, miệt thị, nói xấu, vu khống. Mặc dù, ‘cụm từ đó’ có thể gợi lại những ký ức không vui nhưng nếu chuyển đồng nghĩa tích cực sẽ cho một kết quả lạc quan hơn.
Ví dụ, người A nói xấu B với C là “Nó xạo lắm, nó khoe với tao là nó giàu có, nhìn thấy ra vẻ khinh người.”. Sau đó bôi vàng các từ được nhấn mạnh “xạo, khoe, ra vẻ, khinh người, giàu có” để diễn đạt ý của bạn A và chọn từ tương đương để thay thế từ đồng nghĩa tích cực ví dụ “xạo thay bằng từ khôn; khoe là chia sẻ, kể lại” ; “ra vẻ thay từ có vẻ”; “khinh người có hiểu là đắc chí, phấn khởi”; “giàu có chuyển thành may mắn”. Từ đó, có thể tạm hiểu theo cách đồng nghĩa tích cực của bạn A nói về bạn B với bạn C rằng “Nó khôn lắm, nó kể với tao là nó may mắn, nhìn thấy có vẻ phấn khởi.” và đọc vài lần sẽ thấy sự khác biệt trong cách tư duy.
Trường hợp, nếu không thể chuyển từ đồng nghĩa tích cực, hãy chọn nội dung không đồng tình, khó chấp nhận họ nhất thì cứ đọc hoặc nghe lại nhiều lần. Ban đầu có thể hơi nóng người, bực tức nhưng sau vài lần não bộ sẽ quen và thích nghi dần vì trong chức năng của não có khả năng tự điều tiết cơ thể và chỉ phản ứng lại với các tình huống mới. Cho nên muốn áp dụng cách này hiệu quả, phải cố gắng đọc, nghe liên tục trong 7-10 lần, không quá 1-3 ngày tự sẽ tan biến sự ấm ức, tức giận. Về sau, dù có đọc hay nghe thấy điều tương tự, sẽ không còn cảm giác lo sợ như lần đầu. Điều đó, cũng giống việc trẻ em thường hay bị la mắng, chịu đòn, lâu dần chúng mất đi cảm giác sợ hãi, có khi còn thách thức trở lại.
3. Phát triển sự cảm thông với người tiêu cực và học tính khoan dung ở người tích cực
Có lẽ, thật khó có thể cảm thông với những người có năng lượng độc hại đã từng miệt thị và bôi xấu mình. Tuy nhiên, nếu xét mở rộng trên phương diện tâm lý, họ đều có những tổn thương bên trong, nguyên nhân thường đến từ gia đình hay gây gỗ, áp lực kinh tế, hôn nhân không hạnh phúc hoặc bị trầm cảm vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc yêu thương của người thân. Lâu dần sinh ra tính nóng nãy, tự ti, tự ái khiến họ mất đi sự lạc quan và theo hướng suy nghĩ cực đoan. Bởi vậy, khi gặp những việc không thuận ý họ sẽ lập tức phản ứng gay gắt, khó chịu. Tất cả, vì do thiếu sự chấp nhận, chứa quá nhiều áp lực, cộng thêm bên trong không đủ năng lực chịu đựng và không một ai thấu hiểu. Do đó, họ thường chọn cách ‘trút giận’ lên người khác bằng những lời cay độc và lâu dần trở thành một thói quen, ăn sâu vào tính cách.
Mặt khác, sự xuất hiện của họ là bài học vô cùng quý giá giúp cho bản nhìn lại điểm thiếu sót mà hoàn thiện chính mình. Từ đó, chúng ta mới dễ dàng cảm thông với những người sống tiêu cực hay chỉ trích, chê bai người khác. Hơn nữa, để có thể phân biệt một người tử tế chỉ có một cách duy nhất đó là ‘phải đối xử tử tế với người không phải với mình’ vì tha thứ mới cách yêu thương bản thân. Bởi nếu ta không thể quên được thì chính mình đang bước lại vào con đường tối mà họ đã đi.
Dẫu biết là vậy nhưng để đối xử tốt với người từng làm tổn thương mình thật không hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta cố quan sát và tìm hiểu những sống người tích cực, hạnh phúc. Đa phần, họ luôn giữ vững tinh thần lạc quan bằng sự biết ơn và tri ân từ những điều nhỏ nhặt nhất. Đồng thời, họ không bao giờ thiếu sự nhường nhịn, cảm thông và lòng bao dung với người khác vì họ tin rằng kết quả ngày mai đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ hôm nay do ta lựa chọn.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Bài viết rất hay, đọc xong mình thấy như được chữa lành..