Trong bất kỳ một mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp luôn đóng vai trò rất quan trọng vì đó là cầu nối để xây dựng lòng tin, tình cảm với người đối diện, nhất là thông qua cách trò chuyện sẽ dễ dàng thấu hiểu đối phương. Khi ta nắm vững tâm lý, không chỉ giúp bản thân có được sự thiện cảm từ người khác mà còn mang lại hiệu quả công việc lẫn cả niềm vui và hạnh phúc.
Đã có rất nhiều câu ngạn ngữ từ cổ nhân khuyên dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay là “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hoặc như Khổng Tử từng đúc kết “đa ngôn đa bại” vì trong giao tiếp chúng ta không thể biết hết mọi suy nghĩ của đối phương. Bởi lỡ phạm vào điều cấm kỵ mà họ đặt ra, đôi lúc phải tốn nhiều thời gian để hàn gắn hoặc có thể mất đi mối quan hệ tốt đẹp từ khách hàng, bạn bè và người thân, thậm chí có khi gặp nguy hiểm đến tính mạng. Đó là lý do tại sao ông bà ta ngày xưa thường nhắc câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là vậy. Thế nên, nếu muốn để người khác coi trọng, ta cần nắm rõ các quy tắc ứng xử một cách khôn ngoan.
Chẳng hạn, khi giao tiếp với người nhỏ tuổi hoặc những người có địa vị thấp thì ta cần nên hòa nhã, khiêm nhường. Đối với người lớn tuổi hoặc có địa vị cao hơn, ta phải tập trung lắng nghe để thể hiện sự ham muốn học hỏi, dù họ không tài giỏi, giàu có nhưng chắc chắn cũng cho ta những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trường hợp là khách hàng đối tác, ngoài việc phát triển tính trung thực, trách nhiệm chúng ta cần chú trọng đến cách diễn đạt ngôn từ lịch sự và luôn giữ tác phong chuyên nghiệp. Còn nếu đã xem nhau là bạn thì nhất định phải thật lòng, nhiệt tình, đồng cảm và nâng đỡ tinh thần thay vì ganh ghét đố kỵ.
Đặc biệt, với người thân hay vợ chồng càng nên cởi mở bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ, không che giấu cảm xúc. Nhất là đừng bỏ mặc khi họ bị tổn thương và cũng đừng quá khắt khe trách móc lúc họ lầm lỗi mà hãy chủ động tìm hiểu, khuyên bảo, động viên để họ có thể cảm nhận sự yêu thương gắn bó của gia đình. Ngược lại, nếu cảm thấy không phù hợp quan điểm hoặc muốn góp ý với đối tượng thì ta cần phải suy nghĩ thật kỹ và lựa chọn lời nói sao cho nhẹ nhàng tình cảm khiến họ cảm thấy được tôn trọng, quan tâm. Vì suy cho cùng chẳng ai mong đợi sự phản bác hay dạy dỗ bằng những từ ngữ khó nghe dù chỉ là một đứa trẻ.
Vì vậy, muốn giao tiếp tốt, ta nên tự rèn luyện thói quen nói thật, nghe thật và hiểu thật. Trong đó, có 3 kỹ năng chính cần khắc phục gồm có:
1. Kỹ năng kiểm soát ngôn từ tránh bị nói sai khi giao tiếp
Đây là phương pháp nói thật giúp lời nói trở nên có chừng mực, khiêm nhường, không làm tổn thương tâm lý cho người nghe. Bởi nếu lạm dụng ngôn ngữ cường điệu dễ bị bắt lỗi nói sai vì khi tâm lý phấn khích sẽ không thể giữ tâm trạng cân bằng, có thể dẫn tới lời nói khoe khoang không kiểm soát hoặc than vãn không cần thiết. Điều này, càng khiến người nghe khó chịu, không tin tưởng. Cho nên, phải ý thức chọn cho mình cách phát ngôn văn minh, lịch sự, không dùng từ ngữ thể hiện sự giàu có và hạn chế kêu ca than vãn. Bởi chắc chắn không ai thích nghe lời thô lỗ, khoe khoang cũng càng ít muốn tiếp xúc với những người hay than vãn, kể khổ.
Do vậy, trong mỗi cuộc nói giao tiếp, chúng ta cần tránh nói chạm đến các cụm từ thể hiện sự quan trọng của bản thân như là “tôi quen biết nhiều; tôi đi đến đâu người ta cũng nể; không có tôi là không được; tôi biết mình sẽ thành công; mấy chuyện này dễ mà sao bạn không làm được vậy; bạn phải như thế này, bạn thế kia; (ngày xưa) bạn biết tôi là ai không…”, hoặc kể lể, tiêu cực“một mình tôi lo đủ thứ; tôi sống như vậy là quá tốt; tôi thấy ai có tốt với đâu; tôi khổ quá; v.v..”
Thay vào đó ta nên dùng những câu khích lệ người đối diện hướng về đối phương chẳng hạn “tôi thấy bạn có chỗ này hay nè; tôi chắc chắn phải học hỏi ở bạn điều này; hay quá; hy vọng lần sau tôi sẽ có thể nghe nhiều câu chuyện thú vị như thế; tôi rất thích tính cách của bạn…” hoặc là động viên, quan tâm “tôi nghĩ đây là sở trường phù hợp với bạn; bạn có thể làm tốt hơn nữa, tôi tin bạn sẽ làm được; tôi tán thành ý kiến của bạn; có chuyện buồn cứ tìm tôi; theo tôi là như vậy nhưng bạn có thể tham khảo ở thêm nhiều nguồn khác để có nhiều lựa chọn tốt hơn; tôi rất mừng khi thấy bạn thành công; bạn rất xứng đáng có hạnh phúc; đừng bỏ cuộc, hãy cố lên; mọi chuyện rồi sẽ tốt lên thôi,…”
Đặc biệt, trong quá trình giao tiếp hạn chế nói đến người thứ ba khi họ vắng mặt, ngoài trừ những lời nói tốt, hướng tới tạo cuộc nói chuyện tích cực. Đồng thời, cần chú ý đến âm thanh, giọng điệu, câu từ rõ ràng và phù hợp với văn hóa địa phương đang sinh sống vì điều này sẽ làm cho người nghe cảm thấy dễ hiểu, gần gũi và thoải mái.
2. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc không bị lời khen chê chi phối từ người khác
Để đến với phương pháp thực hành hiểu thật, bản thân phải xác định giá trị năng lực thực tại thông qua những kết quả mà ta đạt được. Quan trọng nhất là, cần nắm vững và liệt kê các điểm yếu cá nhân, từ đó có thể đánh giá và nhìn nhận đúng khả năng cũng như phẩm chất của mình một cách chính xác và chi tiết. Song bên cạnh đó, cần hiểu rõ mục đích khen chê là xuất phát từ ý tốt, muốn nâng đỡ tinh thần cho đối phương chứ không có ý lợi dụng hay cố tình làm hại ai. Vì vậy lời khen chê đó phải có tế nhị, chân thật không nói sai điểm mạnh và điểm yếu ở đối tượng. Tuy nhiên, lời chê khen của một người nào đó dù tốt hay xấu cũng không giữ lại quá lâu trong suy nghĩ bởi vì ai cũng có một cuộc sống riêng với những lo toan trách nhiệm khác.
Khi ta hiểu sâu sắc lời khen chê chỉ là phút thoáng qua thì không có lý do gì mà ta phải bận tâm, chạy theo những cảm xúc tự hào phấn khích hoặc khó chịu bực tức. Trái lại, những lúc này, ta cần xem đó là cơ hội rèn luyện tâm lý để điều chỉnh khả năng phản ứng và xây dựng phát triển bản thân ở mức cao hơn.
3. Kỹ năng tập trung lắng nghe khi giao tiếp
Trong quá trình giao tiếp, kỹ năng lắng nghe được xem là yếu tố quan trọng nhất bởi chúng ta thường hay áp đặt sự hiểu biết của bản thân lên các đối tượng giao tiếp để so sánh. Trường hợp họ có sự hiểu biết sâu rộng, tài giỏi ta có khuynh hướng dễ chấp chận lắng nghe nhưng nếu kiến thức họ ngang bằng hoặc thấp hơn thì tâm lý ham muốn thể hiện bắt đầu trỗi dậy khi họ đưa ra các lý luận thiếu sức thuyết phục, không đúng thực tế. Vì thế muốn áp dụng phương pháp nghe thật ở bước này thì ta cần thêm sự khiêm nhường mới có thể tiếp nhận cuộc trò chuyện với đối phương. Nếu ta cảm thấy khó không thể làm được, hãy khai thác thông tin về đời sống, hoàn cảnh với mục đích để tìm ra điểm yếu của họ vì theo các nghiên cứu đã chỉ ra những người không muốn lắng nghe người khác đa số họ đang trong giai đoạn khó khăn, có tâm lý bất ổn, tự ti do bị áp lực tinh thần, tài chính hoặc những hoài bão khao khát nào đó mà họ chưa thể thực hiện được. Một khi đã tìm thấy sự cảm thông, xót thương, ta mới toàn tâm lắng nghe và im lặng nhằm giúp đối phương ‘thỏa bày’ cảm xúc, quan điểm để họ vui vẻ cảm thấy sự công nhận của người nghe. Điều này cũng là một cách thể hiện tính nhân văn trong giao tiếp.
Tất cả các phương pháp này không chỉ giúp bản thân phát triển kỹ năng giao tiếp với mọi đối tượng mà còn động lại sự yêu thương, quý trọng trong mắt người khác.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Bài viết rất hay có nhiều kiến thức kỹ năng mềm hữu ích cần thiết trong giao tiếp.