Trong môi trường giao tiếp, chúng ta thường tránh tiếp xúc với người xấu nên khi thấy ai đó có hành vi ‘độc hại’ thì sẽ chấm dứt ngay. Thế nhưng, không phải mối quan hệ nào cũng dễ dàng rút lui thậm chí còn đối diện hàng ngày, lắm lúc cần hạ mình vui vẻ. Tuy nhiên, sự nhượng bộ bất đắc dĩ càng khiến bên trong khó chịu vì người kia cứ ‘ỷ thế lấn tới’. Với trường hợp như thế, làm cách nào để duy trì mối quan hệ mà vẫn giữ mức an toàn cho bản thân?
Người đời có câu:“Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, điều này không chỉ nhắc nhở chúng ta phải biết cư xử khéo léo, mềm mỏng mà còn khuyên nên giữ hòa khí, tránh xung đột va chạm. Bởi lỡ gặp kẻ tiểu nhân, họ sẽ tìm cách phá hoại, hãm hại làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, thanh danh, công việc đôi khi nguy hiểm cả tính mạng nếu như hành xử thiếu tinh tế.
Tất nhiên, đối với mối quan hệ phức tạp, ta có thể lựa chọn ‘dừng lại’ nhưng đôi lúc không nên vì một người mà tự đánh mất cơ hội thăng tiến hoặc do cơm áo gạo tiền, chưa có điều kiện ‘dọn đi’ thì hãy tiếp tục giữ mối quan hệ để phát triển cuộc sống. Đồng thời, ông bà xưa cũng truyền dạy “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” nếu vận dụng vào thực tế sẽ giúp ta giành thế chủ động khi nắm bắt được tâm lý đối phương.
1. Tìm hiểu nguyên nhân hoàn cảnh để nhận biết ‘điểm yếu’ của họ
Dân gian thường có câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện” nghĩa là lúc thuở nhỏ ai cũng bắt đầu từ bản tính lương thiện, hiền lành. Đến khi lớn lên, họ chịu ảnh hưởng môi trường giáo dục, nhất là những hoàn cảnh thiếu thốn tình thương, chăm sóc của người thân hoặc chứng kiến quá nhiều sự bất công, bất hạnh làm tinh thần và thể xác bị tổn thương nghiêm trọng. Từ đó, họ mất dần lòng tin và tự cô lập bản thân làm cho tính cực đoan đa nghi ngày càng tác động lên suy nghĩ, hành vi tiêu cực khiến tâm lý ‘người xấu’ trở nên hung bạo, xảo quyệt và thường đề phòng cao với người khác. Chính là muốn bảo vệ bản thân tránh những tình huống tương tự có thể xảy ra.
Theo các nhà tâm lý học nhận định người có hành vi tiêu cực đều có chung nguồn gốc đến từ những tổn thương chưa được chữa lành. Chẳng hạn, Tiến sĩ Harriet Lerner, một nhà tâm lý học lâm sàng nổi tiếng người Mỹ từng đưa ra kết luận đa số người từng tổn thương thường có xu hướng lây truyền tổn thương cho người khác khi bà liên tục tiến hành khảo sát nghiên cứu và phân tích điều trị tâm lý chuyên sâu. Bên cạnh, bà cũng nhấn mạnh những người bị tổn thương rất cần sự cảm thông, quan tâm.
Vì nếu đi sâu vào bên trong, ai cũng có một góc khuất, nỗi buồn, đặc biệt ‘người xấu’ càng lo sợ mất mát hơn gấp nhiều lần. Dẫu bên ngoài họ có tinh quái đến đâu nhưng khi ở cạnh những người thương, họ sẽ trở về là một con người sống tình cảm và trách nhiệm, thậm chí họ chấp nhận chịu thiệt thòi để đánh đổi niềm vui, bình yên cho người đó. Mục đích khai thác hoàn cảnh không chỉ giúp bản thân có cái nhìn sâu sắc về họ mà còn làm chủ được cảm xúc chính mình. Mặt khác, nắm bắt điểm yếu, sẽ dễ dàng ứng dụng vào những lúc cần thiết.
2. Tôn trọng, hòa nhã và luôn giữ chừng mực khi giao tiếp
Mỗi người trong chúng ta bất kể địa vị nào đi chăng nữa, chắn chắn đều muốn nhận sự tôn trọng từ người khác. Điều đó, được thể hiện qua lời nói, thái độ, hành động một cách chân thành, nghiêm túc. Chính những ngôn từ chê bai, coi thường, ẩn ý trêu chọc với hàng loạt biểu cảm mỉa mai, cười cợt là điểm xuất phát đầu tiên khiến tâm lý người tiêu cực, thiếu sức chịu đựng cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương lòng tự trọng, từ đó dần nảy sinh tính thù ghét, mẫu thuẫn. Nên khi họ ‘đáp trả’ theo cách sân si, thô lỗ hoặc thủ đoạn thì trong mắt mọi người họ liền biến thành kẻ xấu.
Thế nên, trong môi trường giao tiếp cần tránh các hành động đùa giỡn, làm xấu mặt đối phương. Ngược lại, càng giữ hành động hòa nhã, nói năng chừng mực, hữu lễ mới khiến người kia cảm thấy mình được tôn trọng mà dành cho ta một sự cảm mến và tin tưởng dù cho người đó có nhân phẩm xấu.
Ngoài ra, hãy nhìn vào cách đối nhân xử thế từ các bậc hiền trí bởi họ không bao giờ phân biệt giàu nghèo, cao thấp. Trong giao tiếp, luôn giữ khí chất khiêm nhường, cung kính, truyền đạt câu từ nhẹ nhàng, không phạm vào những quy tắc riêng tư nên thường để lại dấu ấn đẹp trong lòng người đối diện, đồng thời làm tăng lên sự mến mộ, khó quên của người đời.
3. ‘Tỏ vẻ khờ khạo’ trước sự nguy hiểm để giữ an toàn cho bản thân
Bên trong mỗi con người đều có tính tốt xấu, đôi khi bị lòng tham chiếm hữu mà đánh mất lương tri. Thế mới nói ‘lòng người khó lường’ nhất là những kẻ nham hiểm, họ có thể bất chấp thủ đoạn để gây ra tổn thương, làm hại người khác nếu cảm thấy đối tượng đó nguy hiểm hoặc mang lợi ích cho họ. Ngược lại, chỉ cần người kia không khiến họ đa nghi, mất khả năng uy hiếp, chẳng còn gì lợi dụng thì họ sẽ an tâm ‘bỏ qua’. Vì vậy, nếu biết bản thân đang gặp nguy hiểm trước kẻ xấu hoặc trường hợp bắt buộc ngoại giao với họ, tốt nhất hãy tỏ ra là một người khờ khạo, không biết nhiều hoặc khi cần thiết phải ‘kể khổ’ mới có thể đánh lạc hướng tâm lý, một phần cũng khơi dậy lòng thương cảm trong họ bởi ‘cái tốt’ chỉ xuất hiện khi chạm tới cảm xúc của trái tim.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Bài viết rất hay và hướng dẫn cho mình khi tiếp xúc với người xấu. Mình cũng đang trong hoàn cảnh như vậy nên thấy lạc quan khi gần gũi họ hơn ….
[…] khi xem bài đăng ‘Cách giao tiếp an toàn với người xấu’ của Trang Viết chia sẻ. Tôi cảm thấy rất hay và bổ ích nhất là các bạn […]