Ngày nhà báo có ý nghĩa quan trọng đối với người làm báo đồng thời nhằm tri ân chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có công sáng lập ngành báo chí Việt Nam đầu tiên. Qua đó, cũng gợi nhắc câu nói của Bác dành cho mỗi ‘chiến sĩ văn hóa’ cần nêu cao tinh thần, gìn giữ đạo đức trong việc góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ xã hội văn minh tri thức.
Ngoài việc giữ cương vị lãnh tụ của đất nước, Bác còn là một nhà báo tiên phong dẫn đầu trong cuộc cải cách tư tưởng văn hóa. Bằng chứng trong suốt 50 năm hoạt động báo chí, Bác đã để lại cho đời khoảng 200 bút danh với hơn 2.000 bài báo với gần 300 bài thơ, thêm cả 500 trang truyện hồi ký, biếm họa. Điều đặc biệt là Bác tự học thành thạo 10 ngôn ngữ, viết ra nhiều tác phẩm xuất sắc được đăng trên các đầu báo trong và ngoài nước.
Ảnh tư liệu
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày nhà báo
Theo lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỷ 19, khoảng tầm sau năm 1860 trở đi, tại Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành địa phương khác đã phát hành báo chí trong nước. Tuy vậy, các tờ báo vẫn chưa hoàn toàn áp dụng tiếng quốc ngữ, thêm vào đó đường lối tư tưởng xã hội không thống nhất.
Mãi đến ngày 21/06/1925 mới chính thức ra mắt tờ báo Thanh Niên tiếng Việt đầu tiên, đặt trụ sở ở 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc do nhà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập để kết nối tinh thần yêu nước. Khi đó, ông Hồ Tùng Mậu và ông Lê Hồng Sơn cùng phụ trách trong khâu biên tập. Mặc dù hàng tuần báo chỉ ra 4 trang nhưng tốn khá nhiều công sức vì hầu hết nội dung đều viết tay, được theo in bút sắt trên giấy sáp, trung bình xuất bản mỗi kỳ khoảng chừng 400-500 bản.
Báo tiếng Việt đầu tiên được viết tay. Ảnh tư liệu
Tuy vỏn vẹn kéo dài trong 2 năm ở xứ người, gặp không biết bao nhiêu trở ngại nguy hiểm nhưng tòa soạn của Bác vẫn duy trì phát hành đến gần 100 số tương đương với 50.000 bản, thu hút đông đảo giới tri thức Việt biết tới. Đây được xem là cột mốc quan trọng, mở đầu cho cuộc cải cách báo chí Việt Nam. Về sau, sự phát triển kỹ thuật ở những năm thập niên 70, máy đánh chữ, máy vi tính lần lượt ra đời đã góp phần giảm thiểu công sức viết tay cho phóng viên, cũng như tăng tính dễ đọc của trang báo. Nhưng phải đến năm 1985 mới có sự cải tiến, đồng thời được nhà nước vinh danh và chọn ngày 21/06 hàng năm là ngày truyền thống Báo Chí Việt Nam nhằm tri ân nghề báo vì có công xây dựng phát triển tri thức đến với cộng đồng.
Nghề báo có sứ mệnh giúp đời và làm đẹp cho xã hội
Với kiến thức uyên bác và kinh nghiệm làm báo, Bác đã truyền dạy những lời khuyên về đạo đức đối với giới trí thức báo chí: “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào” vì bác cho rằng “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Đồng thời, bác còn căn dặn đừng đầu độc người ta bằng những câu chuyện vớ vẩn, bởi sứ mệnh của người viết báo chính là giúp đời và làm đẹp cho xã hội nên lan tỏa những giá trị tốt đẹp, kết nối cộng đồng và đoàn kết.
Bác họp mặt cùng với phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu
Chúng ta có thể nhìn lại ở Đại Dịch vừa qua, có những câu chuyện cảm động khiến người xem chua xót, bên cạnh truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống và nối kết tình thương nhân loại giữa con người lúc hoạn nạn. Tất cả đó là nhờ sự cống hiến thầm lặng của những nhà báo chân chính, họ đã phải tác nghiệp trong lúc nguy hiểm, có người suốt quãng thời gian dài không gặp người thân, thậm chí có người đã hy sinh để mang tới những thước phim, hình ảnh, câu chuyện đời thực đến người xem một cách chân thật nhất.
Ảnh minh họa
Báo chí truyền thông phát triển và hậu quả khi ‘lạm dụng’ trào lưu tiêu cực
Kể từ năm 1925 đến nay, vai trò truyền thông báo chí vẫn ngày càng được nhân rộng và phổ biến. Theo nguồn từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, cả nước hiện có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí bao gồm 327 tạp chí lý luận chính trị, khoa học với 72 tạp chí văn học nghệ thuật, thêm 72 đài phát thanh, truyền hình trong số đó được ghi nhận 2 đài Trung ương và 64 đài địa phương với 5 nơi hoạt động truyền hình. Cho thấy, riêng cơ quan ngôn luận chính thống đã chiếm tầm 1.000 tổ chức, chưa kể vô số trang chưa chính thống.
Ảnh minh họa
Từ đó, đã nổ ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị cùng ngành nhằm mục đích níu giữ và tăng lượng truy cập, thêm phần tâm lý ‘sống vội’, lười đọc khiến người xem mất dần sự kiên nhẫn. Ngược lại, họ rất hứng thú với những nội dung tiêu cực của người khác đặc biệt là những người nổi tiếng. Hiểu rõ nguồn cung lớn mà chẳng cần đầu tư quá nhiều công sức viết bài nên các ‘báo lá cải’ chọn khai thác chủ đề cá nhân, xuất bản những nội dung phản cảm, gây sốc đôi lúc có phần dẫn dắt thiếu trung thực nhằm thu hút người xem quan tâm. Điều này, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động truyền thông báo chí chính thông. Một số khác vì muốn duy trì tầng suất tương tác, cũng cuốn theo trào lưu tiêu cực nhưng nếu bị chỉ trích dữ dội thì sẽ nhận lỗi ‘sơ suất’ kiểm duyệt.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, cứ để tình trạng ‘lạm dụng’ nội dung tiêu cực thường xuyên sẽ lây lan tính không lành mạnh, khiến con người mất đi tính đoàn kết, thiếu tình thương và nghi kỵ lẫn nhau dẫn tới kết quả nhiều gia đình, mối quan hệ ly tán, tệ nạn tăng lên gây nhiễu loạn xã hội, như vậy là đang đi ngược với trách nhiệm và đạo đức nghề báo. Thế nên, muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hay xấu xí đều dựa vào sự ‘công tâm’ của người cầm bút.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Bác tuyệt vời quá