Ở bất kỳ thời đại nào, con người cũng có chung những vấn đề tương tự như áp lực công việc, tài chính, tình cảm, gia đình và xã hội. Nhất là cuộc sống không diễn ra theo ý muốn thì tâm trạng cảm xúc của họ càng dễ sinh ra tâm lý tiêu cực, bi quan. Đặc biệt, với những người đặt cao lòng tự trọng càng khó chấp nhận khi bị ai đó xem thường, xúc phạm hoặc vô ơn. Vậy làm sao giải phóng nguồn năng lượng tiêu cực sang suy nghĩ tích cực?
Theo giới y học chuyên môn, nhiều bác sĩ đã đưa ra lời khuyên dành cho bệnh nhân cần phải giữ vững tinh thần lạc quan vì điều này có tác động tích cực đến hệ miễn dịch, đề kháng để bảo vệ sức khỏe và giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi. Đồng thời, kêu gọi mọi người hãy dừng suy nghĩ tiêu cực, trong đó có Tiến sĩ Rick Hanson khẳng định chứng bệnh tiêu cực rất nguy hiểm. Ngoài ra, còn cảnh báo hội chứng này rất dễ lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, làm suy yếu tình cảm, giảm hiệu quả công việc, gây trở ngại con đường thành công, thậm chí mất khả năng kết nối với những người xung quanh.
Do vậy, việc phát triển tư duy lành mạnh, tích cực không chỉ giúp bản thân tránh được những căng thẳng, lo âu, bệnh tật mà còn nâng cao ý thức, học cách điềm tĩnh để vượt qua mọi khó khăn thử thách, cùng nhau hướng về một tương lai an vui và thịnh vượng. Thế nên, muốn có được hạnh phúc thì chúng ta cần phải loại bỏ ngay những tư tưởng tiêu cực đang hiện hữu trong tâm trí thông qua các bước thực hành sau đây.
1. Thừa nhận bản thân bị nhiễm độc và tìm cách ‘đào thải’ chúng ra ngoài
Khi ta biết bản thân đang bực bội, ghen tức, buồn tủi, khó chịu thì đồng nghĩa năng lượng tiêu cực đã xâm nhập và tích tụ ở bên trong. Chúng phân ra nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng tất cả đều khiến tâm trí con người trở nên u tối, mệt mỏi, chán chường. Nhất là, cơn giận dữ kéo tới dễ làm đau tức ngực, hơi thở dồn dập, đầu óc rối loạn. Trong những tình huống như vậy, ta cần đối diện và cầu cứu chính mình bằng cách tập trung vào hơi thở, khẩn thiết thừa nhận rằng “tôi đã bị nhiễm độc” và liên tục nói “tôi rất cần sự giúp đỡ”. Đây là phương pháp trị liệu tự kỷ ám thị, tức là những hình thức tự kích thích, khuyến khích bản thân qua năm giác quan con người. Quá trình này được gọi là tự thôi miên hay còn gọi là tự tâm niệm. Khi ấy, tâm thức được kích thích nguồn năng lượng tích cực bên trong kết nối với năng lượng vụ trũ bên ngoài theo luật hấp dẫn, có thể gián đoạn dòng suy nghĩ. Cùng lúc đó, hãy cố tìm cách ‘tống khứ’ năng lượng tiêu cực đang dồn mạnh ở lồng ngực, nhanh chóng đẩy chúng ra ngoài nhằm sớm xoa dịu cơn đau tức chuẩn bị bùng phát.
Một trong những cách đào thải được nhiều người áp dụng nhất là ‘trục khí bằng hơi’. Phương pháp này có thể đứng, nằm, ngồi ngẩng đầu lên cao, tiếp đến há miệng căng rộng và hò thật sâu giữ khoảng 15 giây tùy theo khả năng kéo hơi của từng người. Đồng thời, dùng một tay vuốt xung quanh vùng đau tức ngực bên trái và tay kia chà nhẹ vào phần lưng. Hoặc, nếu đang ở một không gian vắng người, có thể hét lớn để xả hết cơn giận. Điều này, không những khôi phục cân bằng cảm xúc ngay tức thì mà còn cảm thấy nhẹ lòng hơn sau khi ‘thải độc’. Bởi nếu cứ để mặc cơn thắt ngực kéo dài, lâu ngày sẽ chuyển thành bệnh lý gây ra rối loạn nhịp tim mạch, suy tim, suy phổi và có liên quan đến các bệnh mạch vành, bóc tách động mạch chủ, đột quỵ, ung thư. Vì thế, mỗi khi ấn vào mà có dấu hiệu đau tức ngực không rõ nguyên nhân, hãy sớm tìm gặp bác sĩ để kiểm khám.
Suy nghĩ tiêu cực có nguy cơ đối mặt nhiều bệnh lý
Mặt khác, nếu bị tổn thương nặng về tâm lý hay cảm thấy quá đau buồn thì không nên kìm nén mà hãy tìm cho mình một góc riêng để có thể khóc. Bởi trong y học, khóc cũng được xem là một phương pháp tự nhiên để giải tỏa cảm xúc, giảm căng thẳng, stress rất hiệu quả.
2. Kiếm lý do chấp nhận thiếu sót của đối tượng và nuôi dưỡng tâm hồn
Muốn thực hiện bước này, trước tiên ta cần hiểu rõ bản chất con người là không ai hoàn hảo. Mỗi người đều có những ưu, khuyết điểm riêng biệt so với mình. Sự chênh lệch đó, thường xuất phát từ những thói quen tính cách được hình thành bởi trình độ nhận thức và quan điểm cá nhân. Ngay cả, anh em một nhà mặc dù cùng tiếp nhận môi trường giáo dục giống nhau nhưng sau khi trưởng thành, họ vẫn khác trong cách suy nghĩ và lối sống. Việc này, vừa giúp bản thân dễ dàng chấp nhận thiếu sót của đối tượng, vừa thể hiện văn hóa lịch sự và tôn trọng người khác.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp phức tạp như bị xúc phạm danh dự, đau khổ trong tình yêu, buồn về con cái hoặc công việc không thuận lợi, tức giận khi người vô ơn,…Để có một lý do chính đáng khiến ta ‘tâm phục’ mà tự chuyển hóa năng lượng tiêu cực sang tích cực thì cần thêm điều kiện xét hỏi bản thân chẳng hạn:
- Những việc tôi làm đã đúng chưa?
- Lời nói và thái độ ứng xử của tôi có nhẹ nhàng với họ không?
- Họ có thật sự vui vẻ khi tôi làm điều ấy chứ? Hay tôi tự nguyện muốn vậy?
- Tại sao họ đối xử lạnh nhạt, vô ơn hoặc không muốn nghe tôi, phải chăng có lý do nào đó mà tôi chưa biết?
- Có thiệt là tôi không toan tính lợi ích, không có đòi hỏi quyền lợi tình cảm, hoặc không cần ai nhớ ơn tôi?
- Nếu buồn tức giận, bản thân tôi sẽ đánh mất điều gì?
- Khi đáp trả cho hả cơn giận thì tôi có lợi gì?
- Tôi nhận lại bài học nào trong trường hợp này?
- Liệu tôi có biết con mình đang cần điều gì không? Hoặc có khi nào tôi lắng nghe và hỏi con đã từng trải qua nỗi đau hoặc chịu tổn thương nào trong quá khứ chưa?
- Tôi sai ở đâu, thất bại kỹ năng nào và cần phát triển nó ra sao?
…
Tùy vào trường hợp hoàn cảnh mà xét hỏi bản thân và khi trả lời được các câu hỏi ấy, chính là lúc ta đang ‘tự gỡ nút thắt’ trong lòng. Đồng thời, phương pháp tự soi có tác dụng chữa lành vết thương tâm lý và quay về bên trong để nhìn lại chính mình.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, cách nuôi dưỡng tâm hồn cũng góp phần bổ sung thêm nguồn năng lượng tích cực thông qua các việc hành thiền, tập thể dục, yoga, xem nội dung tích cực, đọc sách, kết nối với thiên nhiên, học cách ghi nhận công sức của người khác. Tất cả những điều này, sẽ làm tươi mới tư duy một cách sâu sắc, đồng thời thay đổi tâm trạng tích cực chuyển hóa tinh thần trở nên lạc quan.
3. Vận dụng thực hành năng lượng tích cực vào đời sống cá nhân
Trên thực tế, có rất nhiều người thành công, hạnh phúc phần lớn nhờ vào tư duy tích cực. Họ sâu sắc nhận thức rằng ‘không ai cứu mình ngoài chính mình’ vì nếu phụ thuộc vào tâm trạng, thái độ người khác hoặc đặt quá cao giới hạn bản thân, sẽ vô tình đẩy ta tìm tới đau khổ, phiền não. Cho nên, họ thường tối giản suy nghĩ, dọn những thứ độc hại tiêu cực ra khỏi tâm trí, thực hành đều đặn lòng biết ơn và tha thứ để nâng cao tần sóng rung động. Nhờ vậy, họ thu hút nguồn năng lượng lớn giúp mọi việc trở nên suôn sẻ và may mắn.
Chẳng hạn trường hợp của chị Bảo Thy, đang sống tại Hoa Kỳ đã chia sẻ: “Ngày trước, tôi từng có một quãng thời gian dài sống trong ý nghĩ tiêu cực vì những biến cố đã xảy ra. Sau đó, tôi nhận thấy cuộc sống xung quanh tôi chỉ toàn thu hút những việc không may mắn. Đến một ngày, tôi gặp một người bạn hướng cho tôi cách thực hành lòng biết ơn và tha thứ. Tôi vận dụng vào cuộc sống để chuyển hóa năng lượng tích cực bên trong tôi. Từ đó, tôi không còn cảm giác buồn giận, thậm chí vui vẻ đối mặt một cách tích cực. Kết quả, mọi việc dần thay đổi tốt hơn và với tôi sang Mỹ định cư cũng là một điều bất ngờ, ngoài dự tính.”
Ảnh. Cuộc sống chị Bảo Thy thay đổi tốt hơn nhờ suy nghĩ lạc quan tích cực
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Một bài thuốc hay
Tôi đang giận mà xem xong, thấy nhẹ thật sự! Cảm ơn tác giả
Người tích cực nhìn luôn dễ thương và dễ gần
Mình là người thích những năng lượng tích cực. Nên rất thích bài này.