Xin đừng so sánh con mình với người khác

Dẫu biết việc nuôi dạy con cái đến khi trưởng thành là một hành trình gian nan và áp lực đối với các bậc phụ huynh, nên dễ hiểu tại sao cha mẹ thường hay la rày, nghiêm khắc. Tất cả vì muốn sau này con có cuộc sống tốt hơn, nhiều khi phải lấy gương bạn đồng trang lứa để nhắc nhở con nhìn vào đó mà phấn đấu. Thế nhưng, nếu sự so sánh này cứ lặp lại nhiều lần sẽ tạo ra một bước rào cản lớn khiến con thiếu tự tin, khó chịu thậm chí đi ngược những điều kỳ vọng của cha mẹ.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 850.000 người tử vong do trầm cảm. Còn tại Việt Nam, cứ 5 người sẽ có 1 trường hợp bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm 25%-30%. Dựa trên kết quả thống kê của Viện Sức Khỏe Tâm Thần, hàng năm số bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm dẫn tới tự tử lên đến 40.000 người, đa số đối tượng từ 14-29 tuổi. Điều đáng nói là nguyên nhân phát bệnh vì áp lực gia đình chiếm khoảng 80% đang ở mức báo động.

Và một trong những lý do khởi điểm ban đầu là sự quan tâm lo sợ tương lai của con sau này sẽ khổ, nên cha mẹ thường đưa ra các điều kiện tiêu chuẩn xã hội, để con có thể đạt được những thành tựu mà họ mong đợi. Cộng thêm sự trải nghiệm và gánh nặng cuộc sống khiến cha mẹ áp lực mà đặt nhiều kỳ vọng nơi con. Do đó, mỗi khi con chưa có thành quả thì cha mẹ vội tìm ngay một gương mẫu nào đó để dạy dỗ. Tuy nhiên, sự so sánh này chỉ sinh ra sự ích kỷ, đố kị, tự ti, căm ghét chống đối nếu như bản thân con không đủ năng lực hoặc không muốn nhận kết quả đó.

So sánh về học lực, thành tích

Một nghiên cứu từ trường Đại học Chicago đã chỉ ra rằng, việc cha mẹ thường xuyên so sánh học lực, thành tích sẽ dẫn con đến những vấn đề hệ lụy về tâm lý, hình thành tính cách cực đoan. Tương tự, khảo sát tại Đại học Vanderbilt cũng khuyên không nên so sánh vì điều này tăng lên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của trẻ.

Ảnh. Áp lực thành tích học tập

Ảnh. Áp lực thành tích học tập

Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Đại học Stanford cho thấy, nếu tập trung vào sự phát triển cá nhân, con có thể đạt kết quả học tập tốt hơn. Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của trường Đại học Missouri chia sẻ, môi trường học tập không có sự so sánh càng giúp trẻ vui khỏe, tự tin, trung thực sáng tạo.

Do vậy, cha mẹ cần tránh việc so sánh mà hãy tập trung khai thác các kỹ năng, sở thích cá nhân để con phát huy một cách toàn diện.

So sánh công việc và thu nhập

Bất kỳ ai trong chúng ta sau khi trưởng thành, đều mong muốn sẽ có một công việc làm tốt, cơ hội thăng tiến và thu nhập cao để có thể tự lập và chăm sóc bản thân mà không phiền đến gia đình. Tuy nhiên, không phải giấc mơ nào cũng dễ dàng thực hiện, thậm chí mất nhiều thời gian công sức, nỗ lực nhưng kết quả chẳng thể như ý vì còn phụ thuộc vào các yếu tố như trình độ, năng lực, chuyên môn may mắn kết thành. Nhất là càng trưởng thành, sẽ càng nhận biết ưu điểm khuyết của mình để định hướng tương lai nghề nghiệp, đôi lúc phải chấp nhận làm những việc không theo mong muốn hoặc chưa tìm ra công việc yêu thích.

Ảnh. Áp lực công việc

Ảnh. Áp lực công việc

Chính vì chưa nhìn thấy sự ổn định, phát triển hay thành tựu nổi bật nào của con thông qua công việc, nên cha mẹ thường xuyên lo nghĩ “sợ con ỷ lại gia đình, làm biếng không chịu phấn đấu” một phụ huynh ở Bình Thạnh tâm sự. Cộng gánh nặng kinh tế với lời ra tiếng vào của những người xung quanh mỗi khi thăm hỏi hoặc nhìn con người khác giỏi giang, cũng khiến cha mẹ phần nào có chút chạnh lòng.

Bởi thế, cha mẹ mới tác động lên suy nghĩ của con với nhiều lý do khác nhau, mặc khác họ tin rằng sự so sánh sẽ tạo ra một sức mạnh, thúc đẩy con phấn đấu tìm kiếm công việc, có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, nếu như con không đủ khả năng mà vẫn gắng sức dễ rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài, chưa kể không lường trước những hậu quả khi dấn thân vào con đường kiếm tiền phi pháp, thiếu chuẩn mực đạo đức.

So sánh chuyện yêu đương và kết hôn

Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, tỷ lệ kết hôn tăng dần trong những năm 2010-2019, với khoảng 300.000 đến 400.000 cặp tổ chức đám cưới mỗi năm. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020 đến nay, xu hướng kết hôn đã giảm dần từ 6%-9,3% so những năm trước. Đa số giới trẻ áp lực chuyện kết hôn là do kinh tế, giới tính, tranh chấp pháp lý, không tìm người phù hợp, sợ đổ vỡ cùng với tư tưởng cởi mở muốn tự chủ cuộc sống, không thích gò bó ràng buộc lẫn nhau.

Bởi từng có cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng xã hội (CARE) tại Việt Nam, trong số các cặp kết hôn vì ép cưới, áp lực gia đình dẫn tới hôn nhân không hạnh phúc chiếm 40%-44% bao gồm các nguyên nhân cha mẹ sợ con quá tuổi kết hôn, muốn chọn đối tượng tốt có điều kiện và e ngại điều tiếng xã hội. Bên cạnh đó, tâm lý “mong cháu” cũng phần nào thúc giục cha mẹ lớn tuổi thêm nôn nóng mà so sánh.

Ảnh. Áp lực kết hôn

Ảnh. Áp lực kết hôn

Trên thực tế, không ít trường hợp con cái sợ đối mặt với cha mẹ mỗi dịp sum họp gia đình. Đôi lúc cần đối phó cũng phải nói dối hoặc buồn hơn nữa là thuê người đóng giả người yêu về ra mắt để cha mẹ an tâm.

Một chuyên gia tâm lý khuyên rằng “Khi họ đủ niềm tin và sẵn sàng muốn bước vào cuộc hôn nhân, tự khắc sẽ biết mở lòng vì bản năng con người đều khao khát có được hạnh phúc và sợ hãi trước sự cô độc.”

So sánh tính cách và lòng hiếu thảo

Người ta thường nói “cha mẹ sinh con trời sinh tính” nghĩa là dù ở môi trường giáo dục nào đi nữa thì mỗi người con sẽ có một tính cách khác biệt, không giống nhau. Thông thường người con hiểu chuyện, sẽ tâm lý với cha mẹ qua lời nói hay tặng những món quà giá trị tinh thần, vật chất. Trái lại, có người không hay thể hiện tình cảm quan tâm ra bên ngoài, thậm chí bỏ sót lời động viên, thăm hỏi. Điều này, khiến các bậc phụ huynh lớn tuổi dễ buồn lòng vì cho rằng con không biết suy nghĩ. Tất nhiên, cũng có trường hợp cha mẹ đòi hỏi con đáp ứng những nhu cầu cá nhân ở mức cao hơn.

Thế nhưng nếu xét ở góc độ tâm lý thì những người con hay phản kháng như tính tranh luận, cứng đầu, nóng nảy, không nghe lời, vô tâm từng có khoảng thời gian dài bị áp lực về cách giáo dục nghiêm khắc, gia đình không hòa thuận, hay cự cãi hoặc rất hiếm khi sử dụng ngôn ngữ yêu thương, quan tâm dành cho nhau. Cho nên, các trường hợp này thay vì so sánh, buồn tủi thì hãy nhẹ nhàng, kiên trì giao tiếp để con có thể cảm nhận tình yêu của cha mẹ qua lời nói, hành động để khơi dậy lòng hiếu thảo. Bên cạnh, cần xét thêm điều kiện hoàn cảnh, thực lực, tài chính nhằm tránh tạo áp lực tinh thần cho con.

Ảnh. Các thành viên của gia đình ông Edward Zuckerberg

Ảnh. Các thành viên của gia đình ông Edward Zuckerberg

Trong một bài phỏng vấn, cha ruột tỷ phú Facebook, ông Edward Zuckerberg từng chia sẻ cách dạy con của mình rằng: “Điều tốt nhất mà vợ chồng tôi có thể làm là giao trọn niềm tin cho các con. Thay vì bắt con phải nghe lời hay quản thúc cuộc sống riêng thì chúng tôi sẽ khai thác điểm mạnh để khuyến khích con phát huy cũng như động viên tinh thần giúp con kiên nhẫn theo đuổi đam mê. Tôi nghĩ không nên can thiệp quá sâu về đời tư vì nó có thể tạo ra khoảng cách tình cảm giữa cha mẹ với con cái.”

Nguồn Trang Viết Việt Nam

*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Hòa Tâm
1 năm trước

Các bậc phụ huynh cần nên thay đổi cách giáo dục cho con tốt hơn