Bất kể ai trên đời này cũng mong ước sở hữu những gì tốt đẹp về phía mình. Cho nên, thành công và hạnh phúc luôn là đích đến của mỗi người. Vì vậy, hầu hết đều lo sợ thất bại và cố tìm cách né tránh nhưng hiếm ai hiểu rằng đó mới chính là ‘chìa khóa’ mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng.
Trong lịch sử có rất nhiều người minh chứng được điều đó như Ngài Tổng thống Hoa Kỳ thứ 16, ông Abraham Lincoln đã trải qua 8 lần thất bại trong cuộc bầu cử hay nhà vật lý học thiên tài người Đức Albert Einstein nhiều lần thi rớt, thậm chí bị đuổi học hoặc nhà phát minh đầu tiên chế tạo bóng đèn điện sợi đốt, ông Thomas Edison cũng phải mất 1.000 lần thất bại.
Ảnh: ông Thomas Edison đang làm thí nghiệm chế tạo bóng đèn điện sợi đốt
Ngoài ra, nhà soạn nhạc lừng danh Wolfgang Amadeus Mozart từng khốn đốn khó khăn về tài chính vì không được công nhận tác phẩm của mình. Cũng như tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Harry Potter, bà J.K. Rowling bị 12 nhà xuất bản in từ chối khi lần đầu ra mắt cuốn sách hoặc là ông Harland Sanders, người sáng lập chuỗi gà rán KFC, đã có 1.009 lần lời chối từ khi ông mới khởi nghiệp ở tuổi 65 và vô số những người nổi tiếng thành danh khác không ít lần nhận về vị đắng thất bại.
Thay vì đổ lỗi, trách móc, và nản chí thì những người thất bại có tư duy tích cực sẽ đi ngược với điều đó. Vậy họ đã làm gì để vượt qua nỗi sợ thất bại và có được thành công ?
1. Chấp nhận thất bại và sẵn sàng học hỏi để cải thiện bản thân
Trên thực tế cho thấy, không một ai thành công mà chưa từng bị thất bại hay là không phải đánh đổi điều gì để có được hạnh phúc. Đặc biệt, những người tích cực càng hiểu rõ thất bại là một phần thiết yếu và họ xem đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Một triết gia, nhà chính trị nổi tiếng thời Tam Quốc, Tào Tháo từng khẳng định: “Thất bại là một chuyện tốt. Thất bại có thể dạy cho chúng ta làm sao có thể thành công. Con người ta muốn thành đại nghiệp phải biết nắm được thì buông được. Đánh trận cũng như vậy. Chấp nhận chiến thắng được, cũng chấp nhận thất bại được”.
Do đó, chấp nhận thất bại thật sự không đáng sợ nhưng quan trọng trên hết là sẽ học được gì qua những lần thất bại để khắc phục sai lầm, điều chỉnh tư duy, lối sống nhằm cải thiện bản thân. Kinh nghiệm này không chỉ giúp ta tìm kiếm cơ hội tốt hơn mà còn nâng rộng sức chịu đựng khi đối diện với những ‘cơn bão’ lớn.
2. Tìm ra lý do để kiên trì theo đuổi ước mơ và tích cực làm việc thiện
Một trong những yếu tố khác biệt tạo nên sức mạnh giúp cho những người tích cực có thể kiên trì khi họ gặp thất bại đó là không bao giờ bỏ cuộc hay chịu đầu hàng trước số phận. Họ luôn tìm cách phát triển động lực thúc đẩy nguồn năng lượng bên trong lên cao thông qua những việc làm tốt, thiện nguyện hoặc tự gieo vào đầu những ý nghĩ tích cực lạc quan và nhắc nhở chính mình rằng “tôi sẽ làm được, tôi sẽ làm tốt hơn nữa”. Vì họ tập trung vào những lý do thu hút để kích thích bản thân giữ sự kiên định mà tiếp tục cố gắng phấn đấu cho tương lai.
Oprah Winfrey là một thí dụ, bà được mệnh danh là nữ hoàng truyền hình với nhiều vai trò như diễn viên, nhà sản xuất truyền hình, nhà văn. Đồng thời, bà cũng là người Mỹ gốc Phi đầu tiên lọt vào trong danh sách tỷ phú thế giới. Mỗi sự xuất hiện của bà thu hút hàng triệu người theo dõi và trở thành nhân vật quan trọng có tầm ảnh hưởng truyền cảm hứng về nghị lực sống sau khi kể lại câu chuyện đời thật của mình trên truyền thông.
Ảnh: Một chương trình của bà Oprah Winfrey
Bà sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Kosciusko thuộc tiểu bang Mississippi nước Mỹ vào ngày 29/1/1954. Được biết, cha mẹ bà vào thời điểm ấy chưa đủ tuổi kết hôn nên bà bị xem là đứa con ngoài giá thú, không được thừa nhận. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, bà Vernita Lee (mẹ ruột Oprah) chuyển đi nơi khác sinh sống để lại đứa con gái nhỏ vài tháng tuổi cho bà ngoại nuôi giữ. Thời đó, nhà nghèo đến nỗi, có những bộ đồ bà mặc được may từ túi bao tải đựng khoai tây đã qua sử dụng.
Ảnh. Oprah Winfrey khi còn nhỏ
Đến năm lên 6 tuổi, Oprah về sống chung với mẹ ở Milwaukee. Tại đây, bà thường bị châm chọc miệt thị vì làn da sẫm màu và gương mặt của mình. Không những thế, bà còn chịu đau đớn cả thể xác khi liên tiếp bị nhiều người hành hạ lạm dụng trong suốt 5 năm dài (từ 9-14 tuổi) đến mức mang thai. Dẫu đau khổ và xấu hổ nhưng bà vẫn quyết tâm giữ lại đứa bé, nhưng chẳng may con trai yểu mệnh chỉ bên bà vỏn vẹn 2 tuần tuổi. Nỗi đau cứ chồng chất lên người cô gái 14 tuổi với một tương lai mù mịt. Kể từ đó, Oprah Winfrey ngày càng trở nên ngang ngược, phá phách khiến cho người mẹ phải mệt mỏi và quyết định gửi bà về với cha ruột ở Nashville, Tennessee.
Sau khi hiểu được những đau thương mà con mình phải trải qua, ông Vernon Winfrey quan tâm và khuyến khích bà thường đọc sách để tự chữa lành vết thương đó, đồng thời động viên con gái nên tiếp tục đi học. Chính lúc này bà nhận ra lý do thu hút bà theo đuổi việc học chính là muốn thoát ra cảnh nghèo, không phải chịu rẻ kinh của người khác và được xã hội công nhận những người da màu như bà.
Ảnh. Oprah Winfrey bắt đầu nghiêm túc theo đuổi việc học
Nhờ tìm thấy động lực, ý chí mạnh mẽ cộng thêm sự toi luyện trong đau khổ, bà đã vực dậy bằng cách sống lạc quan, tích cực hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, kết quả bà đã đạt được bổng toàn phần chuyên ngành truyền thông của trường Đại học bang Tennessee và đăng quang Hoa Hậu Da Màu tại cuộc thi nhan sắc Miss Fire Prevention vào năm 17 tuổi.
Ảnh. Oprah Winfrey được ban tổ chức trao giải cuộc thi Hoa Hậu Da Màu
Đồng thời, bà được vinh danh là phụ nữ da đen đầu tiên, người dẫn chương trình tin tức nhỏ tuổi nhất của đài truyền hình WTVF-TV Nashvill khi mới 19 tuổi và nhiều năm liên tiếp bà nhận vô số giải thưởng lớn trong ngành truyền thông. Sau đó, bà tự mở kênh truyền hình riêng cho mình và thành lập 2 tổ chức từ thiện mang tên Oprah’s Angel Network và A Better Chance để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh.
3. Gạt bỏ tiêu cực và luôn tin sự nỗ lực sẽ được thời gian đền đáp xứng đáng
Qua câu chuyện của bà Oprah Winfrey, chúng ta hiểu được phần nào giá trị ý chí và thái độ sống lạc quan tích cực đã xây dựng niềm tin giúp bà trở thành một nhân vật huyền thoại, xuất chúng như ngày nay.
Ảnh. Bà trở thành nhân vật huyền thoại nhờ vượt qua thất bại và đau khổ
Nói một cách khác là người có tư duy tích cực dù cho có thất bại cũng sẽ không bao giờ cho phép những ý nghĩ tiêu cực xen lẫn như tự ti, mặc cảm, lo sợ, buồn chán, đỗ thừa, trách móc, đánh giá thấp bản thân hoặc cho rằng thành công của người khác hoàn toàn là do may mắn.
Ngược với lối suy nghĩ đó, người tích cực thường tin vào bản thân, họ nhìn nhận thất bại là một bài học quý và đặt ra các mục tiêu rõ ràng để thực hiện, luôn tìm thấy lạc quan ở bất cứ nơi đâu. Mặt khác, họ tập trung chuyên sâu phát triển các kỹ năng cá nhân để nâng cao chất lượng bản thân một cách toàn diện. Đồng thời, họ tôn trọng và đánh giá cao những thành tựu của người khác vì cho rằng những kết quả đó phải trải qua một hành trình dài, vất vả mới có được. Đặc biệt, họ nâng cao giá trị đời sống tinh thần mỗi ngày để nhân rộng tình yêu thương bên trong. Bởi họ hiểu một khi gạt bỏ ý nghĩ tiêu cực thì mới hút được những năng lượng tích cực, may mắn.
Ông bà ta truyền dạy câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim” ẩn ý khuyên nhủ những người đang gặp khó khăn, thất bại không nên vội vàng nản chí, bỏ cuộc mà hãy cố gắng tiếp tục nỗ lực, chăm chỉ phấn đấu nhiều hơn nữa, vì chắc chắn thời gian sẽ trao lại những phần thưởng xứng đáng. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Oprah Winfrey cũng từng nhấn mạnh thêm rằng: “Thất bại là một vị thầy tuyệt vời nhất, nếu như chúng ta sẵn sàng đón nhận thì sai lầm nào cũng đáng giá”.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Đúng là một người phụ nữ tuyệt vời
Thật ngưỡng mộ ý chí của bà ấy