Nộp hồ sơ bảo lãnh định cư nếu kèm thêm con nuôi, liệu có ảnh hưởng đến giấy tờ đi Mỹ hay không ?

Hỏi: Tôi năm nay 36 tuổi, có 2 con nhỏ. Mẹ chồng tôi hiện nay đã có quốc tịch Mỹ và bắt đầu làm hồ sơ bảo lãnh gia đình tôi (gồm 2 vợ chồng tôi và 2 đứa con của tôi). Tôi đang trong quá trình nộp hồ sơ cho cơ quan Mỹ. Tôi có 01 đứa cháu ruột năm nay vừa tròn 16 tuổi, tôi muốn nhận cháu làm con nuôi với hy vọng ngày tôi đi Mỹ sẽ đưa cháu đi cùng. Trường hợp này việc đi sang Mỹ của tôi có ảnh hưởng hay rủi ro gì trong vấn đề bảo lãnh của gia đình tôi không? Rất mong luật sư Phan Thanh Quyền giải đáp. Trân trọng cảm ơn Luật sư và Trang Viết Việt Nam rất nhiều! (Độc giả tại Quận Tân Phú, TP.HCM)

Đáp: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Trang Viết Việt Nam, dựa trên thông tin cung cấp, chúng tôi đã chuyển tới Luật Sư Phan Thanh Quyền trực thuộc Đoàn Luật Sư TP.Hồ Chí Minh, có những giải đáp chi tiết như sau:

Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010, “nuôi con nuôi” được hiểu là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Chính vì vậy mà pháp luật Việt Nam đặt ra điều kiện cho cả người nhận con nuôi và người được nhận nuôi để được xác lập mối quan hệ cha, mẹ nuôi với con nuôi. Điều kiện cụ thể như sau:

Đối với người được nhận làm con nuôi:

Quy định “Điều 8. Người được nhận làm con nuôi

1. Trẻ em dưới 16 tuổi.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi”.

Theo quy định pháp luật, người được nhận nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi. Nếu người đã từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được nhận làm con nuôi của cha dượng, mẹ kế; cô, dì, cậu, chú, bác ruột. Trường hợp của bạn, cháu đã tròn 16 tuổi và được nhận làm con nuôi của cô/dì ruột nên đã đáp ứng điều kiện được nhận nuôi.

Đối với người nhận con nuôi

Tại “Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này”.

Theo quy định trên, có thể thấy rằng vì bạn là cô/dì ruột nhận cháu ruột làm con nuôi nên bạn chỉ cần đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt và không thuộc những trường hợp không được nhận con nuôi, thì bạn được quyền nhận cháu ruột làm con nuôi. Theo pháp luật Việt Nam việc nhận con nuôi của bạn đã đáp ứng đủ các điều kiện và có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của bạn hoặc cháu của bạn để nộp hồ sơ nhận con nuôi.

Mặt khác, dựa trên thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy rằng gia đình bạn được bảo lãnh sang Mỹ định cư theo diện F3, tức mẹ là công dân Mỹ bảo lãnh con trên 21 tuổi đã có gia đình, cùng vợ và con chưa kết hôn dưới 21 tuổi được đi cùng (theo đơn bảo lãnh thì chồng bạn được gọi là người thụ hưởng, bạn và các con được gọi là người thụ hưởng phái sinh). Mẹ chồng bạn làm hồ sơ bảo lãnh cho chồng bạn (trên 21 tuổi đã có gia đình) thì bạn và các con của bạn sẽ được bảo lãnh sang Mỹ cùng với chồng. Con được bảo lãnh đi cùng có thể là con ruột, hoặc con nuôi nhưng người con đó phải dưới 21 tuổi và chưa kết hônthỏa một số điều kiện khác theo luật Di trú và quốc tịch Mỹ (nếu có).

Bảo lãnh con nuôi sang Mỹ

Căn cứ vào Điều 101 (b) (1) (E) Luật Di trú và quốc tịch Mỹ (gọi tắt là INA), thuật ngữ “con là người chưa kết hôn dưới 21 tuổi” sẽ bao gồm:

  • Trẻ em sinh ra trong giá thú (nghĩa là cha mẹ kết hôn với nhau);
  • Một đứa trẻ được sinh ra thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản cho một bà mẹ mang thai không mang gen di truyền đồng thời là bà mẹ hợp pháp theo luật của cơ quan tài phán có liên quan tại thời điểm sinh;
  • Con riêng, nếu con chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm kết hôn tạo ra quan hệ con riêng;
  • Một đứa trẻ hợp pháp (đứa trẻ được sinh ra ngoài giá thú mà từ đó đã được đặt ở vị trí hợp pháp như đứa trẻ được sinh ra trong giá thú);
  • Một đứa trẻ được sinh ra ngoài giá thú, khi lợi ích được tìm kiếm trên cơ sở mối quan hệ của đứa trẻ với mẹ của chúng, hoặc với cha của chúng nếu người cha có (hoặc có) mối quan hệ thân thiết với đứa trẻ;
  • Một đứa trẻ được nhận làm con nuôi khi chưa đủ 16 tuổi (hoặc 18 tuổi nếu áp dụng ngoại lệ anh chị em ruột) sự nhận nuôi phải hợp pháp dưới luật pháp của nơi con nuôi được nhận, đã cùng cư trú và được cha mẹ nuôi hợp pháp quản lý trong ít nhất hai năm (đáp ứng các yêu cầu của INA 101 (b) (1) (E));
  • Trẻ mồ côi đã được công dân Mỹ nhận làm con nuôi ở nước ngoài hoặc công dân Mỹ đến Mỹ làm con nuôi (đáp ứng các yêu cầu của INA 101 (b) (1) (F)); hoặc

Người nhận con nuôi của Công ước La Hay đã được công dân Mỹ nhận làm con nuôi ở nước ngoài hoặc người đang đến Mỹ để được công dân Mỹ nhận làm con nuôi (đáp ứng các yêu cầu của INA 101 (b) (1) (G)).

Nộp hồ sơ bão lãnh định cư

Dựa vào quy định trên, thấy rằng việc để con nuôi có thể làm người thụ hưởng phái sinh theo cha mẹ nuôi sang định cư Mỹ thì người con nuôi đó phải đáp ứng cả hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất, tại thời điểm nộp hồ sơ bảo lãnh người con nuôi phải dưới 21 tuổi và chưa kết hôn. Điều kiện thứ hai, người con nuôi phải được nhận nuôi trước khi tròn 16 tuổi, sự nhận nuôi đó là hợp pháp theo pháp luật của nước nơi con nuôi được nhận nuôi; con nuôi đã cư trú cùng và được cha mẹ nuôi giám hộ ít nhất hai năm.

Vì các lẽ trên, mặc dù điều kiện nhận nuôi con theo pháp luật Việt Nam đã đáp ứng được, nhưng theo pháp luật Mỹ thì cháu của bạn đã 16 tuổi nên không đáp ứng điều kiện được nhận làm con nuôi, để có thể làm người thụ hưởng phái sinh cùng sang Mỹ định cư với cha mẹ nuôi. Do vậy, dù bạn có hoàn tất thủ tục nhận cháu làm con nuôi ở Việt Nam thì bạn cũng không thể bảo lãnh cháu sang Mỹ cùng gia đình được. Nếu bạn đưa cháu (con nuôi) vào cùng làm người thụ hưởng phái sinh để làm hồ sơ bảo lãnh cùng gia đình của bạn, thì khi xem xét hồ sơ bảo lãnh cùng các giấy tờ chứng minh mối quan hệ, Sở Di trú Mỹ sẽ từ chối và trả hồ sơ, do xét thấy có thành viên không đáp ứng điều kiện được bảo lãnh theo Luật Di trú và quốc tịch Mỹ. Và tất nhiên việc nộp lại hồ sơ bảo lãnh sẽ mất rất nhiều thời gian chờ đợi, khó khăn hơn, đồng thời có thể gây trì hoãn việc định cư của gia đình bạn.

Mong rằng, phần giải đáp của Luật Sư Phan Thanh Quyền sẽ giúp cho bạn hiểu hơn về Pháp Luật Việt Nam, cũng như các điều kiện của Sở Di Trú Mỹ. Chúc bạn và gia đình sớm hội ngộ tại Hoa Kỳ trong tương lai gần nhất.

Nguồn Trang Viết Việt Nam

*Nhằm muốn hỗ trợ kiến thức Pháp Luật cho độc giả, Trang Viết Việt Nam đã phối hợp cùng với đoàn Luật sư, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm tại cơ quan chính phủ để bảo trợ thông tin tư vấn. Nếu các bạn có câu hỏi nào đang quan tâm, xin hãy gửi về hộp thư contact@trangviet.vn, nội dung sẽ được bộ phận chuyên môn tiếp nhận.

Bài viết khác:

Vì tánh chê bai người mà tôi rước 'họa' sau 20 năm
Tại sao phụ huynh nên cho con 'Du học Canada từ bậc trung học'?
Nếu 'bạn chưa tin lựa chọn ở bản thân' hãy tham khảo từ những người thành công
Sự thật về thị phi và cách giữ tâm bình an như thế nào?
Làm sao kết giao với người giàu?
Phiên Dịch PLG 'độc quyền' Hội Nghị B2B Kết Nối Giao Thương Ngành Đá Tự Nhiên Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam
‘Ai rồi cũng bị thay thế và lãng quên’ nếu như chưa biết điều này
Một người đàn bà thấy mình may mắn khi nhận được 'gia sản kế thừa'
Tại sao cần phải 'Viết Bài PR' để xây dựng thương hiệu?
Nếu hợp đồng chưa ký chính thức mà khách hàng hủy ngang khi đang giao dịch thì sẽ giải quyết ra sao?
Chuyện tình anh chàng tài xế yêu nàng thạc sĩ và trở thành CEO
Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton kêu gọi quan tâm chăm sóc 'sức khỏe tâm thần'
Đừng bao giờ bị 'mắc bẫy' cờ bạc lô đề giống như tôi
Đừng bao giờ để áp lực cuộc sống ‘ngăn cách’ tình thân với Cha Mẹ
Tiến sĩ Huỳnh Đức Thiện: ‘Đừng để cám dỗ cướp mất hạnh phúc và thành công'
Người cha cầu cứu: “Xin hãy lấy não của tôi thay cho con gái tôi”
Agnikul Cosmos huy động gần 27 triệu USD và dự kiến phóng vệ tinh bằng động cơ tên lửa in 3D đầu tiê...
Nhờ kỹ năng này mà tôi đã ‘thoát nạn’ khi bị người xấu phát hiện
Tiến sĩ Rick Hanson khẳng định chứng bệnh tiêu cực rất nguy hiểm
Sương Phạm: “Tính trung thực có thể tìm lại những giá trị đã mất”
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
3 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Minh Hảo
2 năm trước

Bài viết rất hay, giúp cho người đọc hiểu cặn kẽ về luật. Cám ơn luật sư Thanh Quyền, cám ơn PLG đã chia sẽ bài viết, đem kiến thức đến cho mọi người. Chúc luật sư Quyền và PLG ngày càng thành đạt

Jenny Nguyen
2 năm trước

Ít thấy luật sư nào trả lời rõ ràng và đầy đủ như vậy. Rất có tâm

Jessica Nguyen
2 năm trước

Bài viết luật sư giải đáp rất rõ ràng rành mặt, từ trước giờ mình luôn nghĩ con nuôi ko thể đi diện bảo lãnh được nhờ bài viết mà thêm kiến thức mới biết con nuôi nhận nuôi dưới 16 tuổi sẽ bảo lãnh dc.