Nuôi dưỡng con từ tấm bé đến khi trưởng thành là một quá trình dài, đầy nước mắt của các bậc đấng sinh thành. Đặc biệt người Mẹ, từ lúc mang thai đã phải chịu đau đớn thể xác, giảm sút sức khỏe tinh thần. Thêm vào đó, áp lực quan niệm sinh con trai để nối dõi khiến họ đặt nặng trọng trách, cũng như kỳ vọng lớn vào tương lai ở con. Cho nên việc quan tâm là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu đi quá xa sẽ tạo ra khoảng cách tình cảm giữa con trai, mẹ chồng và nàng dâu.
Dựa trên nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam vào năm 2013, đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng xung đột, gây cản trở hạnh phúc khi mẹ chồng can thiệp sâu vào đời sống riêng tư của con. Bên cạnh thực tế, cũng không ít người con dâu tự nộp đơn xin ly hôn vì không chịu nổi áp lực, giám sát từ mẹ chồng. Đồng thời, một khảo sát thăm dò mới nhất cho thấy chưa tới 3% nàng dâu thật lòng yêu quý, kính trọng mẹ chồng. Điều này, đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta nhìn lại và đặt ra câu hỏi, tại sao mối quan hệ này đa phần chỉ giữ mức ‘ngoại giao’ hay tệ hơn nữa là ‘bằng mặt không bằng lòng’. Và làm sao có thể xóa bỏ định kiến khung danh ‘mẹ chồng nàng dâu’ ?
Những nguyên nhân gây nên sự mâu thuẫn
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Tuy nhiên, phần lớn các lý do không hòa hợp phổ biến nhất đó là sự khác biệt về thế hệ, văn hóa, vùng miền. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính, học vị, hoàn cảnh xuất thân hoặc không cùng quan điểm sống. Đôi khi thiếu kỹ năng giao tiếp ứng xử cũng là cái gốc xuất phát giảm đi sự tin tưởng, thương mến làm ảnh hưởng góc nhìn giữa đôi bên.
Chính những mâu thuẫn cứ kéo dài, lâu dần tạo ra định kiến trở thành ‘vật cản’ trong mắt đối phương. Sự suy đoán, hiểu lầm càng ngày gia tăng, thậm chí ngại tiếp xúc và cẩn trọng hơn trong việc lời ăn tiếng nói. Một phần do thường xuyên phải giữ hình ảnh hòa khí gia đình, nên sự ức chế, lâu ngày lắm lúc bị ‘nổ tung’ khi nghe đối phương nói xấu về mình. Điều này, càng tăng lên sự giận dữ, mất kiểm soát nếu như người kia đáp trả bằng sự phản kháng, có khi chống đối ‘ra mặt’ làm rạn nứt quan hệ, khó thể nào hàn gắn.
Từ những mâu thuẫn tiêu cực xảy ra, cộng thêm sớm tiếp cận nền văn hóa Phương Tây nên giới trẻ ngày nay khi bước vào đời sống hôn nhân. Tất cả hầu như đều đưa ra điều kiện tiên quyết là đề nghị “ở riêng’ vì muốn tránh bớt sự xung đột hoặc ngại sự chịu quản thúc, sai khiến từ mẹ chồng. Tuy nhiên, chủ đề này từng gây tranh cãi suốt nhiều năm liền vì theo quan điểm Phương Đông cho rằng con trai cần có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già mới trọn đạo nghĩa làm con. Trong trường hợp này người chồng sẽ làm như thế nào để cân bằng giữa Tình và Hiếu ?
Vai trò của người chồng trong việc hòa giải
Một người con hiếu thảo nếu nhìn thấy mẹ và vợ có xung đột bất hòa, chắc chắn họ sẽ nặng lòng suy nghĩ. Bởi nghiêng hướng về mẹ, vợ sẽ bị ấm ức vì cho rằng “lấy phải một người chồng không trưởng thành, chỉ biết suốt ngày nghe lời mẹ, không nhận định được đúng sai”. Ngược lại bênh vợ, mẹ sẽ buồn tủi, tổn thương sẽ vô tình trở thành người con bất hiếu.
Do vậy, để khéo léo xử lý các tình huống mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, người chồng phải hết sức tâm lý và biết giữ bình tĩnh để không bị cảm xúc tiêu cực chi phối. Có thể tham khảo các bước như sau:
- Lắng nghe và tôn trọng quan điểm của mẹ với vợ.
- Tìm ra điểm tích cực của đối phương để thuyết phục mẹ hoặc vợ thấy được bản thân họ từng được bên kia thừa nhận giá trị của mình, như vậy sẽ có thêm sự đồng cảm. Tuy nhiên, những lời nói tốt này cần phải thuận lý, nếu không đúng chỗ càng bị tác dụng phụ trở lại vì họ nghĩ rằng người chồng đang cố tình giảm nhẹ tội cho người kia.
- Đưa ra giải pháp trung lập sau khi thu nhận quan điểm của cả hai hoặc muốn giảm bớt tình trạng căng thẳng, có thể dẫn họ đi mua sắm, đi dạo, đi ăn hay là chuyển qua đề tài vui vẻ nhằm xoa dịu tâm lý đối phương. Trường hợp khó hơn, cần tìm người trung gian uy tín có sức ảnh hưởng để hòa giải.
- Mọi hành động, lời nói của người chồng đều phải hết sức nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương đối phương, đồng thời luôn dành sự yêu thương và tôn trọng cho hai phụ nữ quan trọng nhất.
Thế nên, vai trò kết nối của người chồng là hết sức quan trọng vì những điều đó sẽ giúp cho người mẹ và vợ cảm thấy được quan tâm, nhận sự tin tưởng từ người chồng/con trai. Bên cạnh đó, cũng cần quan sát giao tiếp của cả hai để kịp thời ‘ngăn chặn’ các mâu thuẫn khác phát sinh.
Ảnh minh họa
Cụ thể, người chồng tâm lý có thể tìm một dịp thích hợp để mua tặng món quà mà đối phương yêu thích. Đôi khi còn ‘nhường công’ cho mẹ hoặc vợ bởi họ hiểu những lúc thế dù ai gửi chăng nữa, cũng làm cho người kia vui lòng vì họ đang đón nhận cảm giác quan tâm lẫn sự yêu thương.
Coi con dâu như con gái ruột
Dẫu vậy, vẫn không hiếm trường hợp mẹ chồng hết mực yêu thương con dâu như con gái mà không cần lý do, giống như trường hợp của chị Ngọc Trâm tại TP.HCM. Theo lời chị kể, mỗi lần về thăm mẹ chồng, không khác nào như nhà mẹ ruột, cảm giác thoải mái dễ chịu, chị cho biết “Mẹ không bao giờ tạo áp lực nào cho con dâu, mỗi lần có dịp về thăm gia đình là mẹ dậy từ rất sớm để đi chợ và chuẩn bị những món ăn mà tôi thích. Mặc dù tôi rất muốn phụ giúp nhưng mẹ quyết không cho vì mẹ muốn tôi có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí, đốc thúc tôi về nhà ngoại chơi, muốn đi đâu cũng được miễn sao tôi thấy vui, thoải mái”.
Chị tâm sự “Những ngày đầu, mới về làm dâu tôi thật sự lạ lẫm vì chưa quen nếp sống gia đình nên có phần hơi e ngại. Nhưng mẹ tôi rất tâm lý, không những tạo khoảng cách thân thuộc, gần gũi mà còn chủ động quan tâm dặn dò từng chút mỗi khi tôi đi xa.”
Ảnh. chị Ngọc Trâm và cô Kim Nhân chính thức là ‘mẹ con’ vào năm 2015
Qua nhiều năm chị càng yêu quý, kính trọng mẹ chồng vì những đức tính tốt ở bà, chị chia sẻ “Mỗi lần mua tặng mẹ món gì là mẹ luôn tìm cách cho đi ngược trở lại vì mẹ lo sợ con cái vất vả nên chưa bao giờ đòi hỏi các con phải phụng dưỡng. Mẹ nói ‘Mẹ còn làm việc được, các con đừng lo mà hãy lấy số tiền đó lo các cháu. Với mẹ, chỉ cần nhìn thấy các con sống hạnh phúc mới thật sự là niềm vui của mẹ.”
Ảnh. Sau nhiều năm tình cảm mẹ con càng thêm khắng khít
Chị bày tỏ thêm“Tôi rất biết ơn vì nhận được tình thương của mẹ và luôn xem tôi như con gái ruột. Mỗi lẫn tiễn biệt, trên khuôn mặt mẹ đều hiện lên nỗi buồn lưu luyến. Đôi lúc tôi thấy mắt mẹ đỏ hoe, rơm rớm nước mắt làm tôi không khỏi xúc động”
Hãy ‘xóa bỏ tư tưởng’ mẹ chồng nàng dâu
Chính từ những tư tưởng định kiến đã tạo ra sự phân cách tình cảm giữa mẹ chồng nàng dâu. Vì thế, hãy xóa bỏ những tư tưởng tiêu cực mà thay vào đó bằng những quan điểm tích cực như xem mẹ chồng là mẹ ruột, có những trách nhiệm, quan tâm và biết ơn như nhau. Bởi để một người chồng tốt, biết yêu thương vợ con, tất cả đều nhờ công sức, dạy dỗ bảo ban của người mẹ. Họ đã phải gánh chịu những khổ nhọc, thậm chí trả ‘cái rất đắt’ mới nuôi dưỡng con nên người, thành danh.
Một trường hợp khác của gia đình chị Phải “Tôi đã làm dâu hơn 24 năm và cảm thấy bản thân rất may mắn khi được sống cạnh mẹ chồng. Bà là người hiền lành, ít nói, không phân biệt dâu con, ai bà cũng thương đồng đều. Nếu bà biết vợ chồng nào cự cãi, bà sẽ liền trách mắng con trai đầu tiên vì bà cho rằng người chồng phải biết nhường nhịn và quan tâm vợ mình, như vậy mới có hạnh phúc”.
Ảnh. chị Phải luôn xem mẹ chồng như mẹ ruột
Được biết, 4 người con dâu ai nấy cũng đều hiếu thuận, hết lòng yêu kính mẹ chồng. Bởi tính ‘không chấp lỗi’ của bà, đã cảm hóa các nàng dâu nên giữa họ không có khoảng cách hay ganh ghét mà thay vào đó bằng sự cảm thông, quý trọng và quan tâm nhau giống như các chị em gái cùng mẹ.
Từ đó cho thấy, tính bao dung mới là yếu tố quan trọng trong việc kết nối xây dựng mối quan hệ tình cảm gia đình. Vì vậy, hãy cùng nhau xóa bỏ những tư tưởng, quan điểm tiêu cực về đối phương để các thành viên có thể chung sống hòa thuận, không còn bất kỳ một ranh giới nào giữa mẹ chồng nàng dâu.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Một bài viết hay và có những lời khuyên hữu ích để xóa bỏ định kiến “ mẹ chồng nàng dâu”.mình sẽ học hỏi để gia đình an vui hơn.