Mỗi sự trưởng thành của con cái đều nhờ công sinh thành, nuôi dưỡng từ cha mẹ. Trong đó, anh chị em ruột được coi là mối quan hệ cận thân nhất trong gia đình. Chính vì gắn kết với nhau bằng tình thân máu mũ nên khi hoạn nạn, khó khăn anh em một nhà thường dễ dàng nâng đỡ, tương trợ cho nhau. Song, việc giúp đỡ đó có phải là trách nhiệm của họ hay không?
Dân gian Việt Nam thường có câu: “anh em như thể tay chân” để nhắc nhở chúng ta thấy tầm quan trọng của tình thân và mối liên kết tương quan. Thông qua hình ảnh ẩn dụ giúp ta liên tưởng anh em giống như đôi tay và bàn chân nằm trong thân thể cha mẹ, không thể thiếu hay tách rời. Thế nhưng, tay chân lại là hai chức năng hoàn toàn độc lập, có cùng trách nhiệm nâng đỡ thân vì nhờ thân mới nuôi dưỡng sự sống cho chúng nên việc tương trợ cho nhau là điều cần thiết. Dẫu vậy, nếu như thiếu mất một bên, phần còn lại vẫn có khả năng ‘tự lực’ dù gặp nhiều khó khăn vì phải kiêm nhiệm việc thay thế, thậm chí còn chịu lực nặng hơn khi nửa kia không thể hoạt động.
Tương tự, anh em cũng đều là những đứa con do cha mẹ sinh ra nên mỗi người cần có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc để đáp đền công ơn nuôi dưỡng của họ thì mới trọn đạo làm con. Đặc biệt, với người con hiếu có tư duy sâu sắc càng hiểu rõ việc giúp đỡ anh chị em, cũng là một cách báo đáp song thân. Vì vậy, khi thấy người kia gặp hoạn nạn, đau khổ hoặc chọn ‘sai đường’, họ sẽ tìm cách hỗ trợ, khuyên ngăn. Tuy nhiên, anh em lại là những cá thể độc lập, riêng biệt nhất là sau khi kết hôn hay cha mẹ qua đời. Mối liên kết này chỉ ‘ở lại’ nếu đối phương nghiêm túc coi trọng tình thân, đối đãi chân thành với nhau bằng sự yêu thương, trân quý.
Giới hạn và trách nhiệm tình anh em
Trong gia đình cần phải giữ phép “kính trên nhường dưới” mới có thể xây dựng tính đoàn kết, trật tự giữa các thành viên. Hơn nữa, giới hạn này là một quy chuẩn đạo đức rất quan trọng để kết nối tình thân anh em giúp đôi bên có sự quan tâm, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau. Điều này, không những tránh xung đột, giảm tổn thương tâm lý mặc cảm cho người thân mà còn giúp mối liên kết trở nên bền vững. Mặc dù anh em có thể cùng san sẻ, động viên tinh thần, khích lệ hỗ trợ và bảo vệ nhau nhưng tuyệt đối không được can thiệp quá sâu vào đời tư hay trông chờ, ỷ lại người thân bởi ai cũng có những nỗi khổ và khó khăn riêng.
Bên cạnh đó, anh em ngoài việc có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ thì trách nhiệm chung duy nhất giữa mỗi thành viên là phải giữ hòa khí cho đại gia đình, luôn đầm ấm, vui vẻ. Đồng thời, cần tránh việc tranh cãi và nên bồi đắp dung dưỡng tâm yêu thương đối với anh chị em. Vì đây, cũng là niềm vui lớn nhất mà các bậc đấng sanh thành mong muốn nhìn thấy ở các con.
Đừng quên anh chị em giúp nhau cũng là Quý Nhân
Trong cuộc sống, có vô vàn những điều bất như ý mà chúng ta sẽ trải qua. Đặc biệt, ‘bất lực’ trước tình huống khó khăn về tài chính, công việc hoặc tinh thần suy sụp khi chưa thể xoay sở hay tìm ra phương hướng giải quyết. Trong lúc đó, nếu có người tự nguyện hoặc đồng ý giúp đỡ bằng sự quan tâm, thương xót. Họ đặt cao lợi ích của ta, không đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, toàn tâm ủng hộ tinh thần, tiền bạc trong giai đoạn ta thiếu thốn, bi quan. Những người tốt như vậy thường rất hiếm nhưng nếu may mắn gặp được thì đó là Quý Nhân.
Tiếc rằng, vẫn còn nhiều người cứ nhẫm tưởng Quý Nhân là người bên ngoài, mà quên mất người thân, anh chị em ruột khi tương trợ cho nhau một cách vô điều kiện, cũng là người ơn, là Quý Nhân. Chính vì họ không nhìn thấu nên đã vô tình cư xử ‘bội nghĩa’ với ân nhân của mình bởi cho rằng anh em có trách nhiệm giúp đỡ nhau là hiển nhiên. Cho nên, đôi lúc có hành động đáp trả bất lễ như xúc phạm, chửi mắng, nói xấu khi không còn nhận sự trợ giúp từ phía người thân, anh chị em. Và từ đó, dẫn tới những mâu thuẫn, hậu quả đáng tiếc làm mất đi tình thân lẫn tình người.
Giữ lòng Biết ơn là Trách Nhiệm
Ông bà ta từng dạy:“Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” ngụ ý khuyên răn mỗi người không được phép quên những ai đã từng giúp đỡ ta lúc khó khăn dù là nhỏ nhất. Đồng thời qua đó, cũng giáo dục chúng ta nên giữ lòng biết ơn đối với cội nguồn ông bà, cha mẹ vì họ góp phần mang lại sự sống cho ta. Thế nên, trách nhiệm người nhận là cần phải biết quý trọng, ghi nhớ sâu sắc thông qua cách ứng xử, đối đãi tử tế hoặc trả ơn bằng những hành động thiết thực. Vì vậy, mối quan hệ anh em nếu giúp trong khả năng mà không làm ảnh hưởng tới đời sống gia đình, vợ chồng thì việc tương trợ nhau là một điều tốt, rất đáng hoan nghênh. Bởi điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm đối với anh chị em mà còn bày tỏ lòng tri ân gián tiếp đến cha mẹ đã nuôi nấng, dưỡng dục ta những ngày thơ bé.
Tuy nhiên, càng không nên dựa dẫm lòng tốt của anh chị em hay tranh giành trục lợi, gây ra việc phiền phức làm tổn hại đến danh tiếng, lợi ích cá nhân của họ. Và càng không được ngó lơ những lúc họ lâm nạn, sa vào đường cùng, bế tắc hoặc chối bỏ công sức giúp đỡ của họ. Tất cả, những điều này, vô tình biến thành kẻ vô ơn trong mắt đối phương, khiến người đời lên án, cười chê. Vì thế, hãy luôn coi trọng lòng biết ơn mỗi khi nhận sự trợ giúp từ người thân và tự xem đó là trách nhiệm để ‘trả nghĩa’, đồng thời cũng tăng tính đoàn kết giữa anh chị em thủ túc tình thâm.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Một bài viết sâu sắc về tình anh em