Trong cuộc sống, mỗi người có sự trưởng thành về thể chất lẫn tư duy, phần lớn là nhờ công cha mẹ nuôi dạy hoặc muốn được kiến thức, nghề nghiệp cũng dựa vào sự hướng dẫn của thầy cô. Nhất là các mối quan hệ bạn bè thân thiết xung quanh sẽ góp phần xây dựng thêm tính cách, phát triển mạnh về cảm xúc tâm lý. Tuy nhiên, trên thực tế rất hiếm tình bạn vĩnh cữu, đa số lần lượt kết thúc ở một khoảng thời gian nhất định. Vậy điều gì khiến cho tình cảm thâm giao của họ mất dần đi?
Người ta thường nói: “Ở nhà nhờ ba mẹ ra ngoài nhờ bạn bè” nhằm ám chỉ tầm quan trọng trong việc kết giao xây dựng mối quan hệ bằng hữu có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp và cuộc đời của mỗi chúng ta. Bên cạnh đó, cũng nhắc nhở phải biết ‘chọn bạn mà chơi’ để tránh gây nhiễm tâm lý vì ít nhiều sẽ tác động lên suy nghĩ tiêu cực bởi có câu “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” nếu bản thân thiếu sự sâu sắc. Do vậy, cần nắm rõ các quy tắc, làm sao duy trì tình bạn và nhận định một cách đúng đắn.
1. Tại sao cần phải có bạn và tiêu chuẩn tình bạn tốt là gì?
Bản chất con người vốn sinh ra đã có sự liên kết của cha mẹ, ông bà với những người thân chung quanh. Mỗi cá thể giống như một mắc xích, nối giữ thâm tình giữa các thành viên gia đình, họ hàng gần xa. Tương tự như thế, mối quan hệ bạn bè đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tương lai, khám phá hiểu biết và phát huy bản thân nhằm góp phần kết nối xã hội ngày càng được bền vững.
Hơn nữa, trong cuộc sống có vô vàn áp lực và trách nhiệm đè nặng trên vai với nỗi cô đơn trống vắng, không thể bày tỏ cùng người khác. Hoặc những lúc đau buồn, gục gã thì tình bạn sẽ là nơi ‘cứu cánh’ tinh thần mang đến nguồn năng lượng tích cực để ta dễ dàng đối mặt trước ‘giông bão’ đời người.
Từ lâu, đã lưu truyền câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ hay Bá Nha Tử Kỳ đều đại diện cho tình bạn đẹp cao cả. Họ quý mến nhau như anh em thủ túc, không phân biệt sang hèn địa vị mà chỉ dành cho nhau sự quan tâm, kính trọng, cảm thông. Thậm chí, sẵn sàng nhường nhịn lợi ích, âm thầm nâng đỡ khi bạn lạc lối và thương xót bạn gặp điều không may mắn. Cho nên hiểu thương và trung thành là gốc rể phát triển tình bạn tốt.
2. Nguyên nhân nào khiến tình bạn rạn nứt?
Từ một người xa lạ có thể nhanh chóng kết thân thành ‘hảo tỷ muội, huynh đệ tốt’ là vì đôi bên có những quan điểm, tư duy giống nhau, dễ hòa nhập. Đối phương luôn tạo cho người kia cảm giác an tâm, tin tưởng và coi trọng. Nhất là những gút mắc trong lòng được tháo gỡ khi nhận sự đồng cảm, quan tâm, đưa ra lời khuyên chân thành giúp họ thoát khỏi sự lo lắng, buồn phiền từ bấy lâu nay. Nhờ thế, mối quan hệ ngày càng thân thiết nên lúc nào họ cũng muốn chia sẻ, nói chuyện bất kể thời gian, thậm chí không ngần ngại tiết lộ bí mật đời tư của nhau.
Thế nhưng, đến thời điểm thử thách, những người nhiệt tình có tính đa nghi, tự trọng cao thường dễ tổn thương tâm lý khi ‘đoán nghĩ’ đối phương thiếu tôn trọng và xem thường chẳng hạn không chú tâm vào cuộc nói chuyện, phớt lờ công sức, đọc tin không trả lời, ngẫu nhiên kiểm tra thấy bị chặn, kết giao với người họ ghét hoặc nghe ai đó kể lại người kia nói xấu họ,.. từ đó dẫn tới tình cảm bên trong họ dần phai nhạt, rạn nứt.
Dẫu vậy, trong giai đoạn mâu thuẫn vẫn là cơ hội tốt để ta kiểm chứng và xác định mức độ ‘tình bạn thân thiết’ của cả hai. Đồng thời qua đó, cần xét lại bản thân đã đủ bao dung, thương nghĩ vì bạn chưa hay chính mình mới là người ngộ nhận bởi tình bạn thật sự chẳng bao giờ thiếu vắng sự quan tâm, coi trọng và không dễ dàng cạch mặt chỉ vì một chuyện nhỏ mà chưa làm rõ nguyên nhân.
3. Làm sao duy trì mối quan hệ tình bạn được dài lâu?
Mỗi người bạn dù tốt xấu cũng là những học bài giá trị giúp bản thân có cái nhìn đa chiều và sâu sắc. Nếu may mắn gặp bằng hữu tốt, hướng ta đến những điều lương thiện, đẹp đẽ thì đã ứng với câu “Trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen”. Thế nên, muốn nhận ra một người bạn chân thành, thấu hiểu, phải mất rất nhiều thời gian mới tìm thấy, do vậy chớ để hiểu lầm cản trở mà ‘lạc mất’ tình bạn.
Ông An, 78 tuổi chia sẻ:“Vấn đề xung đột, bất đồng hầu như có mặt trong mọi mối quan hệ, bất kể thân hay không nhưng nếu ta thật sự quý trọng người bạn đó thì cần nên chủ động thăm hỏi để biết rõ nguồn cơn, nguyên nhân tại sao họ thay đổi, hay là do mình vô tình làm gì khiến cho bạn phiền lòng. Một khi càng làm rõ thì càng tránh bị tổn thương cho cả hai phía vì chắc chắn người bên kia cũng có lý do chính đáng mà ta không biết. Tình bạn tốt phải được dưỡng nuôi từ lòng tin, sự biết ơn và tôn trọng, đến lúc tuổi già sẽ nhận ra rằng còn gặp lại mới là điều đáng quý.”
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn