Thế giới nội tâm của mỗi người luôn chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc theo từng thời điểm, có lúc rất vui, có khi lại thấy buồn, thậm chí kéo theo nỗi cô đơn tuyệt vọng. Những tâm trạng ấy, chỉ bản thân mới có thể ‘hóa giải’, nhưng nếu được ai đó lắng nghe, đồng cảm và đưa ra lời khuyên chân thành thì hãy quý ơn họ vì những điều này.
Một vị tác gia từng nói “bên trong mỗi người là một hoang đảo cô đơn” bởi khi trưởng thành, chúng ta đều có những vấn đề phải trăn trở, nghĩ suy với cảm xúc lo toan, muộn phiền, tiếc nuối thậm chí ấm ức khó thể nào quên. Mỗi cá nhân sẽ có cách tự thỏa hiệp với nỗi ‘niềm riêng’ của mình, có người lựa chọn im lặng né tránh, người thì sẵn sàng đối diện hoặc đôi lúc không thể kiềm chế muốn được nói ra nhằm xoa dịu cơn đau đang bị tổn thương. Hơn nữa, trong y học cũng khuyến khích nên ‘xả hết’ những tâm lý tiêu cực ra bên ngoài, đừng chất chứa quá lâu vì điều này sẽ gây hại cho cơ thể và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe về sau.
Ảnh minh họa
Do vậy, khi cảm thấy quá mệt mỏi và không thể chịu đựng nên tìm đến những người có tâm lý chuyên môn hoặc ai đó có thể đồng cảm, lắng nghe sâu sắc và đưa lời khuyên chân thành mà không đòi hỏi bất kỳ lợi ích nào thì hãy nhớ ơn họ vì lý do sau.
1. Họ dành nhiều thời gian quan tâm là vì coi trọng mối quan hệ
Mỗi người ai cũng có 24 giờ giống nhau, được chia ra thành 3 khoảng thời gian dành cho giấc ngủ, công việc và thư giãn. Đối với những người bận bịu con nhỏ hay bận rộn công việc thì thời gian ngủ nghỉ của họ lại càng rất quý. Chưa kể đến những áp lực, lo toan cuộc sống như tài chính sức khỏe, dạy dỗ con cái, tình cảm vợ chồng, cha mẹ người thân và những rủi ro xung quanh khiến họ mệt mỏi, buồn phiền mà không ai hiểu thấu. Thế nên, đa phần họ chẳng thể tập trung lắng nghe, thậm chí không muốn tiếp nhận một sự việc nào đó mà cứ lặp lại thường xuyên hoặc ‘xả thêm’ cho họ những cơn bực tức, nóng giận vô cớ với những câu chuyện không liên quan. Bởi bất kể dù là người thân hay mối quan hệ nào đi chăng nữa, cũng không ai có trách nhiệm phải lắng nghe những tâm sự vui buồn của người khác, trừ phi là họ muốn vì quan tâm.
Ảnh minh họa
Và nếu ai đó dành nhiều thời gian lắng nghe bằng tất cả sự cảm thông chân thành và đưa ra lời khuyên tích cực. Điều đó, nghĩa là họ thật sự rất quý trọng mối quan hệ này, cũng như muốn giúp ta thoát khỏi tâm lý tiêu cực, lẫn cả tổn thương về tinh thần để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
2. Công việc họ ảnh hưởng vì bị hút vào năng lượng tiêu cực
Theo một số khảo sát của Google đã phát hiện ra rằng chìa khóa hạnh phúc và thành công của một người là do môi trường tiếp xúc giữa các đối tượng với nhau, họ gọi đó là ‘an toàn tâm lý’. Ngoài ra, dựa trên bài cứu nghiên mới nhất đăng trên tạp chí Current Biology được tổng hợp từ các nhà khoa học đã khẳng định rằng“Cảm xúc có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua tế bào thần kinh gương”. Đây là những tế bào não được kích hoạt khi chúng ta quan sát hành vi của ai đó, chẳng hạn nhìn thấy hành động ngáp, sẽ kích hoạt phản ứng khuyến khích làm theo hành động tương tự một cách vô thức. Tức là, nếu thấy một người đang mệt mỏi, căng thẳng thì chúng ta dễ bị cuốn vào hành vi tương tự.
Ảnh minh họa
Mặt khác, bà Tara Perrot, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh thuộc trường Đại học Dalhousie Canada đã nói: “Trong tiềm thức mỗi người đều có khả năng tiếp nhận cảm xúc của người khác, đặc biệt nhanh hút những dòng cảm xúc tiêu cực”. Đồng thời, giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Cambridge Anh Quốc, Ông Joe Herbert cho biết: “Nếu ai đó hoảng sợ, họ đang ở trong trạng thái căng thẳng, sự hoảng loạn có thể lan rộng khắp cộng đồng, bất kể có nguyên nhân thực sự hay không”.
Trên thực tế, có rất nhiều kết quả chứng minh sau khi nghe, thấy nhiều thông tin tiêu cực từ người khác sẽ ảnh hưởng đến tâm lý làm giảm sút hiệu quả công việc, có khi ‘lỗ nặng’. Đối với những người có tầm quan sát cao, hầu hết đều họ nhận thức rõ được điều này. Tuy nhiên, bằng một tình thương nào đó, họ chấp nhận tổn thất để có thể cứu lấy tinh thần cho người kia. Thậm chí, kiêm luôn vai trò nhà trị liệu tâm lý ‘bất đắc dĩ’.
3. Họ dùng hết ‘tâm can’ để khuyên nhưng vẫn lặp lại không thay đổi
Đây có lẽ là tâm lý buồn và thất vọng nhất khi họ hết lòng quan tâm, muốn giúp đỡ ai đó tránh xa khỏi ý niệm tiêu cực. Đôi lúc, họ còn bỏ ra thời gian đi cùng, đặt cả tâm tư suy nghĩ ‘làm cách nào, nói ra sao’ để cho người kia trở nên lạc quan với một tia hy vọng duy nhất là mong cho người đó thật sự sống vui vẻ và hạnh phúc. Thế nhưng, người kia vẫn tiếp tục giữ theo cách quan điểm cũ và tái diễn cái kết đau khổ một lần nữa, rồi lại muốn được tâm sự giải khuây. Cứ nhiều lần như thế, vô tình chạm vào lòng tự trọng của họ vì cảm thấy đối phương thiếu sự tôn trọng và coi thường những ‘tâm huyết’ mà họ dành thời gian suy nghĩ, chia sẻ chỉ là để ‘mang tính tham khảo’, không chịu thử qua. Lắm lúc, còn thiếu sự biết ơn hoặc nói lời cảm ơn sau khi ‘thoát khỏi ấm ức’. Chính từ đó, họ mất dần niềm tin, sự nhiệt tình và không muốn làm chỗ dựa tinh thần vô ích như ngày trước.
Ảnh minh họa
Anh Hậu, một nhà tư vấn từng sống nước ngoài chia sẻ: “Ở các nước phát triển, mỗi lần muốn trò chuyện với ai, họ cũng đều nhắn tin là vì sợ bản thân làm phiền thời gian, ảnh hưởng quyền riêng tư khi người kia đang làm việc hoặc nghỉ ngơi do đó họ sẽ xin phép trước. Nếu đối phương cảm thấy thoải mái thì cuộc trò chuyện mới được diễn ra, trung bình nói chuyện kéo dài khoảng 10 phút hoặc tối đa 30 phút. Trong đó, nội dung phải mang lại những kiến thức bổ ích, giá trị vui vẻ. Đặc biệt, họ rất hạn chế than phiền chỉ khi nào ai đó qua đời, các trường hợp như vậy thì họ bày tỏ cảm xúc đồng cảm sâu sắc.”
Anh Hậu đang tư vấn khách hàng. Ảnh TVVN
Anh nói thêm: “Khi gặp vấn đề tâm lý, đa số họ tự tìm cách giải quyết. Một số khác, sẽ đến các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để điều trị hoặc nhận nghe lời khuyên tích cực giúp bản thân sớm trở về trạng thái cân bằng. Chi phí giao động trung bình mỗi giờ tư vấn ở các nước phát triển là 80 USD-250 USD với những quốc gia đang phát triển hiện nay khoảng chừng 25 USD-80 USD.”
Qua đó, ta thấy được giá trị khi có người chịu lắng nghe tâm sự hoặc tư vấn bằng những lời khuyên chân thành mới đáng quý như thế nào.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả cảm thấy bài viết hữu ích, mời các bạn hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trong trường hợp muốn đóng góp thông tin hoặc có yêu cầu liên quan, xin hãy gửi về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn