Một câu chuyện nhân văn, chứa rất nhiều thông điệp ý nghĩa mang lại giá trị đời sống tinh thần, đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Đồng thời, thông qua nhân vật trong câu chuyện này, sẽ giúp chúng ta cảm nhận được sâu sắc về tính giáo dục đạo đức của thế hệ đi trước.
Biết ơn nghịch cảnh
Vào năm lên 8, chị Sáu Trân (SN 1963, quê Khánh Hòa) đã phải thấu hiểu nỗi đau mất cha, một mình Mẹ gồng gánh nuôi 9 người con. Mẹ chị là người phụ nữ đảm đang, hiền lành và được nhắc đến là một nàng dâu hiếu thuận, biết kính trọng cha mẹ, thương các em chồng như ruột thịt. Bà luôn là tấm gương sáng mẫu mực cho thế hệ con cháu sau này bởi sự đức hạnh và lòng bao dung.
Tại thời điểm đó, chị đã nhận thức sự khó khăn của gia đình nên sáng nào chị cũng dậy từ rất sớm để phụ Mẹ ra chợ bán và chăm sóc các em sau mỗi giờ học. Chị chưa bao giờ than vãn, thậm chí mỗi lần trong nhà có đồ ăn ngon, chị đều nói với Mẹ “con no rồi”, “con chỉ thích ăn chay thôi” chính là muốn nhường phần hơn cho các thành viên khác.
Nhà đông anh chị em, lại không có bà con ở Lâm Đồng. Thế nên sau khi cha mất, Mẹ chị quyết định dẫn các con về Khánh Hòa sinh sống vào năm 1972. Do mới về chưa ổn định chỗ ở, gia đình phải tách mỗi người một nơi, người này chuyển đến nhà ngoại, người kia sang nhà dì, người khác qua nhà chú, chị thì sống bên nhà nội. Từ đây, đã “gieo” cho chị những bài học giá trị về đạo đức thông qua hình ảnh người ông đáng kính.
Tình thương không điều kiện
Ông Hai Thường, sinh năm 1916 tại Quận Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), là một trong những thương lái nổi tiếng nhất vùng xứ nem thời đó. Trong bối cảnh lịch sử đất nước mới giành quyền độc lập 1945, khi ấy nền kinh tế chưa phát triển, người dân ai nấy cũng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khó. Nhà nào đông con thì càng thêm gánh nặng vì đa phần chủ yếu làm nông, làm thuê, cuốc mướn, gánh nước mướn, giúp việc nhà,… với mức thu nhập đồng lương khá ít ỏi, chưa kể bị chèn ép công sức, phân biệt đối xử lao động của các chủ hộ giàu có.
Đi ngược với điều đó, ông Hai Thường luôn sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó bằng những việc làm thiết thực như nấu cháo để sẵn hàng ngày, tặng gạo miễn phí, hỗ trợ học phí cho các em nhỏ, có khi những người không có tiền sanh nở tìm đến, ông cũng nhiệt tình chi trả toàn bộ viện phí, thậm chí còn nhận những người mồ côi làm con nuôi để tạo cho họ công ăn việc làm ổn định hoặc đứng ra lo hôn sự dựng vợ gả chồng giúp người xa xứ không người thân. Với những người bán củi, ông cũng giống như một “vị cứu tinh” bởi cứ mỗi lần bán ế là thảy hết về nhà ông. Mặc dù, trong nhà không còn chỗ chứa nhưng ông vẫn thu mua với giá cao để họ kiếm chút tiền lời nuôi gia đình. Tuy ông hiếm khi đi chùa, nhưng hễ có chỗ nào cần kinh phí xây dựng, ông đều hết lòng trợ duyên. Đặc biệt, ông dạy rằng: “Nếu muốn giúp đỡ ai đó, cần phải nói lời dễ nghe, không được tỏ ra thị uy hay thể hiện lòng tốt của mình, đồng thời cũng không nên kể nhằm tránh cho người bị khó xử hoặc tổn thương. Khi cho nhớ cúi thấp người để bày tỏ sự tôn trọng và thành tâm”.
Ông thường ghi nhận những điểm tốt của người khác, đặc biệt không nói xấu bất kỳ một ai. Dẫu ai đó ganh ghét, đố kỵ hoặc cố tình hãm hại nhưng ông không bao giờ nghĩ xấu về họ, trái lại luôn giữ phép kính trọng và biết ơn. Thậm chí, nếu như trong cuộc sống họ gặp khó khăn, ông sẽ hết lòng quan tâm chu đáo. Từ lẽ đó, ông đã cảm hóa rất nhiều người từ xấu trở thành tốt vì họ nhìn thấy sự chân thành, khiêm nhường ở nơi ông.
Ảnh: Tính cách Ông Hai Thường (bên phải) được mọi người thương quý
Một người cao tuổi cho hay: “ông Hai là một người ít nói nhưng rộng lượng, nhân nghĩa, tử tế với người làm và rất thương người nghèo. Nếu ông biết họ sai, ông sẽ không chỉ trích hay đổ lỗi mà âm thầm từng bước giúp đỡ họ trở về cuộc sống lương thiện”. Chính nghĩa cử cao đẹp, đã khiến người dân trong vùng quý mến và đó là lý do tại sao mà tất cả con cháu ông đến đâu, cũng đều nhận sự quan tâm từ người dân lớn tuổi nơi đó, nhất là các khu vực nông thôn.
Từng được chứng kiến, và nghe nhiều người bên ngoài kể tốt về những việc làm của ông, chị càng cảm phục nhân cách sống cao thượng. Dù rằng ông đã ra đi năm 1983, nhưng bao giờ chị cũng xem“Ông như một quyển Đắc nhân tâm, sống mãi trong lòng con cháu”, là một gia sản vô giá để chị noi theo.
Chịu thiệt là phúc
Nhờ học hỏi những điều tích cực từ người ông đáng kính, thêm phần gia đình mỗi người ở một nơi nên thuở nhỏ đã chị sớm ý thức rèn luyện cho mình bản tính tự lập và biết cảm thông cho người khác. Sau năm 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, nền kinh tế Việt Nam chưa đủ điều kiện hòa nhập với sự phát triển chung của thế giới, cho nên các hoạt động kinh doanh ở bất kỳ nơi đâu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng kể từ đó, gia đình chị chuyển về quê ngoại tại Ninh Đa, một khu vực vùng nông thôn theo chính sách kinh tế mới. Có thể nói, đây là giai đoạn khó thể nào quên của phần đông người dân Việt bởi trong mỗi bửa ăn chỉ có cơm trộn với khoai lang, khoai mì, bo bo, v.v..
Chính vì sống giữa hai thời kỳ trước và sau hòa bình, cũng như trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chị càng thấm thía “được mất” của đời người là lẽ thường. Cộng với vốn tính giản dị, điềm đạm sống tình cảm nên chị hay chọn những điều thiệt về mình để nhường niềm vui cho người khác. Sự thấu hiểu, đồng cảm của chị được minh chứng qua cách ứng xử giao tiếp, giúp người một cách kín đáo và tế nhị. Bởi theo chị, thua thiệt chưa hẳn là nỗi buồn mà lắm lúc niềm vui cũng đến từ những điều ấy.
Ảnh NV: Sự lạc quan là tính cách thường thấy ở Chị Sáu Trân.
Một lần, người quen đang gặp khó khăn đến gặp chị, đúng thời điểm này chị cũng đang cần dùng số tiền ấy để nhập hàng buôn bán. Nhưng thấy xót cho hoàn cảnh trước mắt, chị lập tức đưa ngay mà không một chút do dự. Thì chẳng bao lâu, chị bất ngờ nhận một đơn hàng có giá trị hơn gấp 10 lần, chất đầy cả chiếc xe tải lớn được đặt mua từ một khách hàng giàu có. Điều đáng nói, người ấy là bác bảo vệ hiền lành trước đây, đã thoát nghèo sau khi trúng số. Vì thiện cảm với sự nhiệt tình, trợ giúp của cô chủ nội thất khi bác rụt rè vào hỏi “Tôi cần mua mấy cái ghế nhựa cũ hoặc hơi bị bể cũng được, do tết này lần đầu con cái dẫn bạn về chơi mà trong nhà không có cái nào. Mà ở đây cô có bán đến 30 tết không vì lúc đó…tôi mới có tiền”.
Ảnh: Nơi gia đình chị đang sinh sống tại Ninh Hòa
Thế đó, đời người chẳng ai thể biết trước điều gì, nhưng sự tử tế sẽ làm cho người nhớ mãi và lòng tốt trong sáng bao giờ cũng đáng để trân trọng. Có thể hôm nay ta gặp nhiều khó khăn nhưng biết đâu ngày mai rồi sẽ khác. Đặc biệt, quý giá nhất đời người là kế thừa những nhân cách cao đẹp và được tiếp nối ở thế hệ tương lai.
Nguồn Trang Viết Việt Nam
*Nếu Quý độc giả thấy bài viết hữu ích, hãy nhấn vào nút chia sẻ bên dưới. Trường hợp muốn đóng góp nội dung hoặc mọi yêu cầu liên quan, xin mời gửi thông tin về hộp thư trực tuyến của Trang Viết Việt Nam tại contact@trangviet.vn
Ngưỡng mộ cách sống của ông Hai Thường
Có khi cả đời người chưa chắc đã ngộ dc như chị Sáu. Ngưỡng mộ chị bao nhiêu thì càng kính nể người ông bấy nhiêu. Cám ơn bài viết đã cho mình nhiều bài học ý nghĩa và đáng quý.
Qua bài viết trên mình rất cảm động trước cách sống cao đẹp của ông Hai và cảm phục cách vượt qua nghịch cảnh của chị Sáu quá.
Bài viết ẩn ý nhiều nội dung giá trị nhân văn. Hay lắm tác giả
Rất mong có những bài viết như thế này được nhiều người biết tới và những con người sống vì người khác nên được tuyên dương vì họ xứng đáng.
Đúng là chỉ cần cho đi mà không ham cầu được mất thì ông trời ắt sẽ trả lại mình gấp nhiều lần thứ mình đã cho đi. Bài viết hay quá.